TN - Đất & Người

Kon Tum siết chặt quản lý sầu riêng, mít xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kon Tum hiện có 18 mã số vùng trồng nông nghiệp phục vụ cho xuất khẩu với diện tích hơn 325 ha; trong đó có 6 mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng và 3 mã số vùng trồng đối với cây mít.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trước thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra cảnh báo với sản phẩm sầu riêng, mít của Việt Nam, đồng thời, nhận đề nghị của Cục Bảo vệ thực vật về việc tăng cường kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý chất lượng đối với các sản phẩm sầu riêng, mít.

Ông Nguyễn Hoài Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, cho biết ngành nông nghiệp đã tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sở hữu mã số vùng trồng xuất khẩu tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của những nước nhập khẩu; tăng cường giám sát và kiểm tra định kỳ và đột xuất vùng trồng sầu riêng, mít và các loại trái cây xuất khẩu khác để đảm bảo những vùng trồng này tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

“Nếu phát hiện vùng trồng vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Kon Tum sẽ tạm dừng xuất khẩu đối với mã số vùng trồng. Sau đó, hướng dẫn vùng trồng vi phạm thực hiện biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm của trái cây xuất khẩu. Nếu không khắc phục sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu trái cây. Điều này giúp đảm bảo việc xuất khẩu trái cây đạt yêu cầu và duy trì sự ổn định trong quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc,” ông Nguyễn Hoài Tâm khẳng định.

Liên quan đến khâu khảo sát, cấp mã số vùng trồng, ông Tâm phân tích, để được cấp mã số vùng trồng, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện những bước cơ bản như xin cấp mã số vùng trồng với thủ tục chặt chẽ gồm: bản cam kết tuân thủ sản xuất an toàn thực phẩm theo quy định của nước nhập khẩu, nhật ký canh tác tại vùng trồng, giấy chứng nhận VietGAP, Global GAP… hoặc các giấy chứng nhận tương đương…

Sau khi tổ chức, cá nhân cung cấp các hồ sơ nêu trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật rà soát và tổng hợp hồ sơ đăng ký cấp mã vùng trồng. Nếu hồ sơ đã đáp ứng đầy đủ sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng xin cấp mã số.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ gửi mã số vùng trồng cho Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện đàm phán với nước nhập khẩu đề nghị phê duyệt mã số.

Theo thống kê, Kon Tum hiện có 18 mã số vùng trồng nông nghiệp phục vụ cho xuất khẩu với diện tích hơn 325 ha; trong đó có 6 mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng và 3 mã số vùng trồng đối với cây mít.

Ông Bùi Trung Sơn, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại, dịch vụ Ia Chim (thành phố Kon Tum) cho biết, hợp tác xã có 34 ha sầu riêng được cấp hai mã vùng trồng VN - KTOR – 0021 và VN - KTOR – 0022. Năm 2023, hợp tác xã xuất khẩu gần 200 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc; trong khi năm 2024 là hơn 50 tấn.

Hợp tác xã luôn chú trọng đảm bảo chất lượng của sản phẩm sầu riêng trước khi được đưa đi xuất khẩu.

Tuy nhiên, để siết chặt hơn nữa việc quản lý chất lượng sầu riêng, tới đây, hợp tác xã sẽ thành lập tổ giám sát, nhằm kiểm tra chặt chẽ quy trình chăm sóc sầu riêng của các xã viên, đảm bảo sầu riêng luôn đạt tiêu chí an toàn trước khi đưa đi xuất khẩu - ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm