Từ đầu năm đến nay, tỉnh Kon Tum đã trồng mới được trên 667 ha dược liệu, trong đó có 13ha sâm Ngọc Linh.
Hôm 19-7, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh trồng mới được trên 667 ha dược liệu; trong đó, sâm Ngọc Linh là trên 13 ha, còn lại là các cây dược liệu khác, đạt 390% mục tiêu Nghị quyết số 10.
Theo nhận định của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum, công tác trồng dược liệu năm 2022 đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Đến nay, các địa phương, đơn vị đã đăng ký trồng được 2.484 ha diện tích trồng dược liệu.
Trong năm 2022, tỉnh Kon Tum đã trồng mới được 13 ha sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L |
Đối với sâm Ngọc Linh, các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị khoảng hơn 5 triệu cây, trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp đã chuẩn bị được khoảng 4,82 triệu cây giống sâm Ngọc Linh tương đương 482 ha.
Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đã chuẩn bị khoảng 180.000 cây giống để trồng sâm Ngọc Linh. Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh đã chuẩn bị được khoảng 50.000 cây giống sâm để cung ứng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, các huyện khác trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết hoặc ký hợp đồng với các chủ cơ sở sản xuất giống dược liệu đảm bảo chất lượng đề cung ứng cho người dân như: Vườn ươm của Ban quản lý Dự án Măng Đen khoảng trên 2-3 triệu cây giống dược liệu; Trường Cao đẳng Cộng đồng có khả năng cung ứng được khoảng 10.000-20.000 cây dược liệu nuôi cấy mô (lan kim tuyến, dẻ hạt...); Trung tâm ứng dụng KHCN tỉnh cung ứng khoảng 300.000-400.000 cây dược liệu nuôi cấy mô.
Tuy nhiên, công tác ươm và cung cấp giống dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dược liệu chưa đáp ứng được yêu cầu; việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dược liệu còn yếu và hạn chế...
Theo Hoàng Lộc (Dân Việt)