Điểm đến Gia Lai

Kông Chro: Huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành huyện Kông Chro, Gia Lai quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Theo thống kê, cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo của huyện Kông Chro là 3.473 hộ, chiếm tỷ lệ 30,09%, giảm 7,28% so với cuối năm 2017. Năm 2019, huyện Kông Chro tiếp tục đặt ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững, 100% hộ nghèo được hưởng thụ đầy đủ các chính sách giảm nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 6% trở lên so với năm 2018, giải quyết việc làm mới cho trên 600 lao động.
Ông Trần Đình Phùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro-cho biết: Một trong những biện pháp giảm nghèo hiệu quả đó là tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Quý I-2019, doanh số cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội của toàn huyện gần 210 tỷ đồng, trong đó cho hộ nghèo vay hơn 86,2 tỷ đồng, vốn vay học sinh-sinh viên hơn 1,4 tỷ đồng, vốn giải quyết việc làm gần 5,7 tỷ đồng, nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn trên 16,3 tỷ đồng, vốn cho hộ nghèo vay cải thiện nhà ở trên 6,2 tỷ đồng... Từ các nguồn vốn trên, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo nhóm hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất. 
 Đàn bò của gia đình anh Đinh Nech (làng Hle Hlang, xã Yang Trung). Ảnh: N.S
Đàn bò của gia đình anh Đinh Nech (làng Hle Hlang, xã Yang Trung). Ảnh: N.S
Dẫn chúng tôi xem mô hình nuôi bò của gia đình, anh Đinh Nech (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) chia sẻ: Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất. Những năm gần đây, gia đình được các tổ chức đoàn thể trong xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương. Ngoài ra, gia đình còn được vay 40 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển kinh tế, được hỗ trợ bò sinh sản để chăn nuôi. Nhờ sự chăm chỉ “lấy công làm lãi” của cả 2 vợ chồng, đàn bò cùng với 3 ha mì và bắp của gia đình hàng năm cho thu nhập gần 80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện căn cứ tình hình thực tế để triển khai các giải pháp giảm nghèo phù hợp. Theo ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho, để làm tốt công tác giảm nghèo, Đảng ủy, UBND xã đã chú trọng tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế hộ. Cùng với đó, xã lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện; tập trung thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người dân, đặc biệt là hộ nghèo; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm hơn 8%, đạt trên 100% kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo nhà ở, sức khỏe cho người nghèo cũng được lãnh đạo địa phương quan tâm thực hiện. Từ các nguồn quỹ và nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, năm 2018, huyện Kông Chro đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 38 nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; cấp 1.145 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo ở khu vực khó khăn; thực hiện chi trả, miễn, giảm và hỗ trợ học phí theo chủ trương của Chính phủ cho 5.993 học sinh với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng và 73.575 kg gạo; hỗ trợ tiền điện cho 3.191 hộ nghèo và 181 hộ chính sách với số tiền trên 1,45 tỷ đồng... Đến nay, trên địa bàn huyện không còn gia đình chính sách, người có công nghèo khó khăn về nhà ở.
Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Phùng cho biết thêm: Trong năm 2019, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… Đồng thời, gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, kịp thời các chính sách của Nhà nước. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên.
 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm