Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Kông Chro ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Từ năm 2020 đến nay, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của trung ương và địa phương, huyện Kông Chro đã đầu tư xây dựng, sửa chữa hơn 150 hạng mục công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 266 km. Đáng chú ý, việc mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã đã kết nối lưu thông, góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại của người dân. Mặt khác, việc ưu tiên đầu tư phát triển giao thông nông thôn đã thu hẹp dần khoảng cách giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của huyện, trở thành đòn bẩy giúp các địa phương thoát nghèo bền vững.
Đơn cử, công trình đập tràn làng Cước (xã Sró) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hơn 1.400 người Bahnar thuộc 3 làng (Cước, Ya Ma và Sró). Được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đập tràn này đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân canh tác hiệu quả 500 ha đất sản xuất bên kia suối Mtăh. Việc vận chuyển phân bón, nông sản của bà con đã trở nên dễ dàng hơn; tình trạng thương lái ép giá nông sản vì lý do đường xấu không còn như trước. Ông Đinh Thế Song-Phó Chủ tịch UBND xã Sró-cho hay: “Được sự quan tâm của tỉnh và huyện, xã đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Trong số này, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả bước đầu, không những giải quyết được nhu cầu đi lại mà còn làm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Đường giao thông đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa ở huyện Kông Chro hầu hết đã được bê tông hóa. Ảnh: Minh Phương
Đường giao thông đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa ở huyện Kông Chro hầu hết đã được bê tông hóa. Ảnh: Minh Phương
Tương tự, ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-cho biết: Trước đây, đường vào xã hết sức khó khăn, cách trở. Nhờ có sự quan tâm đầu tư của trung ương, tỉnh và huyện nên giao thông trong xã không còn khó khăn như trước, việc đi lại của bà con rất thuận lợi. Hiện nay, đường giao thông ở 5 thôn, làng của xã được đầu tư xây dựng kiên cố, xe ô tô vào tận nơi để vận chuyển hàng hóa. Trong năm nay, từ nguồn vốn phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã được đầu tư làm đường bê tông ra khu sản xuất thôn 3 và thôn 4, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn của địa phương.
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư làm đường giao thông tại các xã, các tuyến đường tại trung tâm thị trấn cũng được huyện tập trung nâng cấp, mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. Ông Chu Văn Thuần-Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro-cho biết: Thị trấn có 18 tuyến đường chính, hầu hết được nâng cấp mở rộng, xây dựng hệ thống mương thoát nước, lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh giúp bộ mặt thị trấn khang trang, hiện đại hơn. “Năm 2022, với kinh phí hơn 14,6 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND thị trấn tập trung đầu tư các tuyến đường bê tông của 4 tổ dân phố gồm: Plei Nghe, Plei Dơng, Hle Htu, Pyang. Đến nay, các công trình trên đã hoàn tất hồ sơ thiết kế, chờ UBND huyện phê duyệt là triển khai thi công”-Chủ tịch UBND thị trấn thông tin.
Huyện Kông Chro ưu tiên tất cả nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: Minh Phương
Huyện Kông Chro ưu tiên tất cả nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: Minh Phương
Những năm gần đây, huyện Kông Chro đã kết hợp, lồng ghép và huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2022, với kinh phí hơn 124 tỷ đồng, huyện tập trung vào các dự án giao thông nông thôn, sửa chữa các tuyến đường huyết mạch như: đường từ thị trấn Kông Chro đi xã Đak Pling, Đak Tơ Pang; đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang; bê tông hóa đường nội làng của các xã, đường ra khu sản xuất để giải quyết việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Ông Phan Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-khẳng định: Nhờ ưu tiên các nguồn lực đầu tư, đến nay, đường giao thông kết nối đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã được bê tông hóa gần như hoàn toàn. Tuy vậy, huyện vẫn ưu tiên tất cả nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm giải quyết khâu đi lại, đặc biệt chú trọng mở các tuyến đường dân sinh, đường ra khu sản xuất của người dân.
“Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi chủ động tham mưu cấp ủy Đảng và chính quyền để xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn. Ngoài phát huy nội lực, huyện mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm và tăng nguồn kinh phí đầu tư để triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông nhằm góp phần khai thác tốt tiềm năng, từ đó đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn của trung ương và địa phương (khoảng gần 40 tỷ đồng) để triển khai nâng cấp, tu bổ, làm mới các công trình, đặc biệt chú trọng các công trình kết nối tới những vùng sản xuất lớn, vùng nguyên liệu, vùng đông dân cư theo nghị quyết của Đảng bộ huyện”-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro khẳng định.
MINH PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm