Điểm đến Gia Lai

Kông Chro: Xây dựng địa bàn không có tội phạm, tệ nạn xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 5 năm triển khai thực hiện việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội, hoạt động của các loại tội phạm tại Kông Chro (Gia Lai) được kiềm chế đáng kể. Đến nay, một số xã, thị trấn đã được huyện đưa ra khỏi diện chuyển hóa, tạo sự an tâm trong quần chúng nhân dân.
Kông Chro là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh. Lợi dụng địa hình rừng núi, dân cư thưa thớt, tội phạm và các đối tượng hình sự từ địa phương khác đã nhiều lần xâm nhập vào địa bàn huyện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp tài sản, đánh bạc… Trước tình hình đó, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh về tập trung “chuyển hóa địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về tội phạm, an ninh trật tự (ANTT) trở thành địa bàn ít tội phạm hoặc không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, Ban Chỉ đạo huyện Kông Chro đã chủ động triển khai tại các xã, thị trấn.
 Các chốt ANTT đã góp phần đáng kể trong công tác chuyển hóa địa bàn ở huyện Kông Chro. Ảnh: H.T
Các chốt ANTT đã góp phần đáng kể trong công tác chuyển hóa địa bàn ở huyện Kông Chro. Ảnh: H.T
Đại tá Lê Hoài Nam-Trưởng Công an huyện Kông Chro-cho biết: Ban Chỉ đạo huyện đã lựa chọn 4 địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT cần tập trung lực lượng chuyển hóa mạnh gồm: xã An Trung, thị trấn Kông Chro (chuyển hóa về nạn cờ bạc); xã Yang Nam, xã Chơ Long (chuyển hóa về nạn trộm cắp bò). Riêng các xã còn lại, tùy vào tình hình thực tế tại các thôn, làng, cụm dân cư để xác định vấn đề cần chuyển hóa. Các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như âm mưu hoạt động của các loại tội phạm để người dân hiểu, tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm và chuyển hóa địa bàn; tổ chức vận động cá biệt kết hợp tuần tra, kiểm soát, trực gác vào các thời kỳ cao điểm… Cùng với đó, các tổ tự quản về ANTT, tổ tự quản giao thông, chốt an ninh độc lập, mô hình “Làng tự quản gắn chốt an ninh” đi vào hoạt động cũng đã góp phần không nhỏ vào công tác chuyển hóa địa bàn.
Ông Đinh Dam Ngứ-Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Phòng-chống tội phạm xã Yang Nam- cho hay: Yang Nam từng là điểm nóng của huyện về tình trạng trộm bò mổ lấy thịt. Để thực hiện chuyển hóa địa bàn, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản của mình; họp bàn biện pháp phòng-chống trộm bò. Qua đó, thay vì thả rông bò, nay người dân đã biết nuôi nhốt hoặc đến tối thì dắt về nhà. Ngoài ra, xã còn tăng cường vai trò của các tổ tự quản, chốt ANTT và huy động toàn dân cùng tham gia phòng-chống tội phạm.
Nhờ đánh giá, dự báo đúng tình hình cũng như xác định đúng vấn đề chuyển hóa, đến nay, huyện Kông Chro đã kiểm soát, kiềm chế được hoạt động tội phạm, không để hình thành tụ điểm phức tạp về cờ bạc tại xã An Trung và thị trấn Kông Chro. Tình trạng trộm cắp bò mổ lấy thịt ở 2 xã Yang Nam và Chơ Long giảm dần qua các năm và hiện không còn xảy ra. Trong 5 năm thực hiện chuyển hóa (2013-2018), lực lượng Công an đã bắt và xử lý 4 vụ đánh bạc tại xã An Trung với 16 đối tượng (xử lý hình sự 1 vụ, 4 đối tượng; xử lý hành chính 3 vụ, 12 đối tượng); xử lý 3 vụ tại thị trấn Kông Chro với 12 đối tượng (xử lý hình sự 2 vụ, 8 đối tượng; xử lý hành chính 1 vụ, 4 đối tượng). Qua tuần tra, phục kích ban đêm, lực lượng chức năng đã phát hiện và truy đuổi 5 vụ mổ trộm bò đang trên đường chở thịt đi tiêu thụ. Đặc biệt, tháng 11-2014, Tổ tự quản làng HNgã (xã Yang Nam) và nhân dân đã phát hiện các đối tượng đang dắt trộm 3 con bò theo đường rừng về hướng huyện Ia Pa và tổ chức truy đuổi lấy lại được bò.
Ông Nguyễn Văn Ký-Chủ tịch UBND xã An Trung-cho hay: “Hiện tại, xã vẫn nằm trong diện chuyển hóa địa bàn của huyện. Số vụ trộm cắp, đánh bạc trên địa bàn xã tuy có giảm song vẫn chưa triệt để, tái đi tái lại nhiều lần. Để đạt được mục tiêu chuyển hóa địa bàn thành công vào cuối năm 2019, xã đang tiếp tục xây dựng các mô hình, các tổ tự quản ở các thôn, làng trọng điểm về ANTT; vận động già làng uy tín cùng với hội, đoàn thể thôn, làng tiếp tục tuyên truyền cho bà con và thanh-thiếu niên, nhất là người dân tộc thiểu số hiểu rõ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”.
 Mới đây, huyện đã đưa xã Yang Nam và thị trấn Kông Chro ra khỏi diện chuyển hóa, đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp để duy trì kết quả này cũng như để chuyển hóa thành công 2 địa bàn trọng điểm còn lại là An Trung và Chơ Long. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao dân trí, cải thiện đời sống cho người dân.
Hồng Thi- Nguyễn Công Chánh

Có thể bạn quan tâm