Điểm đến Gia Lai

Kông Pla khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Kông Pla (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có xuất phát điểm thấp khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Thế nhưng, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, đến cuối năm 2020, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Bộ mặt nông thôn xã Kông Pla, huyện Kbang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh
Diện mạo nông thôn xã Kông Pla ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh

Huy động sức dân

Cách đây 10 năm, khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Kông Pla có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu thốn. Ông Trịnh Xuân Thông-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Kông Pla có 851 hộ, trong đó trên 61% là người dân tộc thiểu số.

Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền xã đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Trong đó, xã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM” và tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM. Qua đó, giúp người dân hiểu đúng ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chương trình để chung tay thực hiện.

Rẫy mía rộng hơn 1 ha của gia đình ông Đinh Xăm (thôn 3) nằm giữa 2 điểm cuối của tuyến đường thuộc thôn 3 và thôn 4. Trước đây, người dân 2 thôn muốn sang nhà nhau phải đi đường vòng khá xa. Khi xã Kông Pla có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, ông Xăm đã tự nguyện hiến hơn 1 sào đất giữa rẫy để 2 tuyến đường được đấu nối với nhau. Đoạn đường dài hơn 200 m, rộng 6 m này sau khi hoàn thành đã kết nối giữa 2 thôn, giúp hoạt động giao thương, đi lại của người dân thuận lợi hơn.

Ông Xăm vui vẻ nói: “Đám đất này gần nhà mình nên rất thuận lợi cho việc sản xuất. Nhưng nghĩ đến bà con làng xóm, rồi con cháu mình đi lại vất vả nên mình tự nguyện hiến đất. Hàng ngày, tận mắt thấy từng đoàn xe nối đuôi nhau vận chuyển nông sản, rồi người dân, các cháu học sinh nhộn nhịp đi lại, mình thấy rất vui”.

Ông Đinh Xăm, (thôn 3, xã Kông Pla, huyện Kbang) hiến hơn 1 sào đất để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Xăm, (thôn 3, xã Kông Pla, huyện Kbang) hiến hơn 1 sào đất để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Minh

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”, giai đoạn 2017-2020, người dân xã Kông Pla đã hiến gần 5.000 m2 đất, đóng góp hơn 1,1 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh.

Từ sự đóng góp của người dân cộng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đến nay, 100% đường trục xã, 94,7% đường thôn, làng ở Kông Pla đã được bê tông hóa; 73,87% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, xã cũng tập trung đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế, trường học, điện chiếu sáng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Nâng cao thu nhập

Ngoài ra, xã Kông Pla cũng chú trọng vận động người dân chuyển đổi một số diện tích mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, măng tây, dâu tằm, cây keo, cỏ chăn nuôi để nâng cao thu nhập; tiếp tục duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm; nhân rộng mô hình gia trại, trang trại, thành lập các tổ hợp tác gắn phát triển vùng sản xuất tập trung với liên kết hợp tác đầu tư tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, xã vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Người dân xã Kông Pla (huyện Kbang) thu hoạch mía niên vụ 2020-2021. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân xã Kông Pla (huyện Kbang) thu hoạch mía niên vụ 2020-2021. Ảnh: Ngọc Minh

Trước đây, gia đình anh Đinh Dũng (thôn 4) thuộc diện hộ nghèo. Sau khi xác định được hướng đầu tư phát triển sản xuất, anh đã vay 20 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang.

Anh Dũng chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 ha mía, mì và 4 sào lúa. Do thiếu kinh phí đầu tư nên cây trồng cho năng suất thấp, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi vay vốn, tôi đã đầu tư mua phân bón cho cây trồng. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng lên, mang về nguồn thu trên 30 triệu đồng/ha/năm. Tiền bán nông sản, tôi tái đầu tư sản xuất, mua bò sinh sản và mua vật tư, trang-thiết bị mở tiệm sửa chữa đồ gia dụng tại nhà. Cuối năm 2019, gia đình tôi thoát nghèo”.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống dần được nâng cao. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 38 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 72% (năm 2011) xuống còn dưới 7%; gần 99% người dân trong xã tham gia bảo hiểm y tế; 100% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia...

Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình, thôn, làng văn hóa được tổ chức thường xuyên. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, cuối năm 2020, xã Kông Pla đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM.

“Để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xã tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM; trong đó đặc biệt quan tâm đến tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Ngoài tập trung nguồn lực hỗ trợ, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia mô hình cánh đồng mía lớn. Xã cũng tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn, hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế cao vào triển khai để nâng cao thu nhập cho người dân”-Chủ tịch UBND xã Kông Pla thông tin.

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm