Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Kpă H’Lót nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Duy trì nghề dệt thổ cẩm để cải thiện thu nhập, sẵn lòng truyền dạy cho lớp trẻ từ đó lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc là những việc mà bà Kpă H’Lót (SN 1958, trú tại tổ 8, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã thực hiện trong những năm qua.

Khi chúng tôi đến nhà, bà H’Lót ngồi cặm cụi xe từng sợi chỉ lên khung cửi. Bàn tay bà nhẹ nhàng, uyển chuyển, thuần thục di chuyển khiến chúng tôi cũng chăm chú dõi theo. Mời khách tới bên chiếc bàn nhỏ xinh được trải phẳng phiu bằng tấm vải do chính tay mình dệt, bà H’Lót tâm sự: “Tất cả váy áo truyền thống của con, cháu trong nhà đều do tôi tự dệt và may. Còn khỏe mạnh, mắt còn trông thấy từng sợi chỉ thì tôi còn dệt để giữ nghề và thỏa niềm đam mê với văn hóa truyền thống”.

Bà H’Lót bén duyên với nghề dệt thổ cẩm khá muộn, khi đã bước sang tuổi 40-cái tuổi cần dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái. Nhưng khi xem các bà, các chị hàng xóm dệt vải, bà H’Lót quyết tâm học theo. Chỉ sau 2 tuần, bà H’Lót đã biết dệt vải. Theo thời gian, từ chỗ chỉ biết dệt theo các hoa văn mẫu, bà còn tự vẽ và dệt nên những hoa văn đẹp mắt, phối màu sắc sảo theo sở thích.

Việc thạo nghề dệt vải thổ cẩm không chỉ giúp bà H’Lót thỏa niềm đam mê mà còn giúp bà nuôi 8 người con ăn học đầy đủ, đặc biệt từ năm 1994, khi chồng bà mất vì bạo bệnh. Nay 8 người con của bà (gồm 4 trai, 4 gái) đã trưởng thành, có nghề nghiệp và gia đình riêng, trong đó chị Kpă HJin-hiện là giáo viên tiểu học thi thoảng sau giờ dạy, mỗi dịp cuối tuần là về nhà mẹ để phụ giúp dệt vải cho khách đặt may.

Bà Kpă H’Lót cho biết, tất cả áo váy truyền thống của con cháu trong nhà đều do bà dệt Ảnh: KSOR H'YUÊN

Bà Kpă H’Lót cho biết, tất cả áo váy truyền thống của con cháu trong nhà đều do bà dệt Ảnh: KSOR H'YUÊN

Từ năm 2000 đến 2015, bà H’Lót nhận may hơn 200 bộ váy áo truyền thống cho khách hàng là người Jrai sinh sống ở nước ngoài, chỉ hơn 50 bộ cho khách hàng ở thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Ia Pa… Giá bán cho mỗi bộ váy áo dài tay của nữ là 1,8 triệu đồng/bộ, nếu riêng áo của nam là 1,4 triệu đồng/áo, áo ngắn tay của nam thì ít hơn với giá 1 triệu đồng/áo (gồm chi phí nguyên liệu, công dệt vải và may).

Bà H’Lót cho biết thêm, trong 2 năm 2014 và 2015, bà được Trường Trung cấp Nghề thị xã mời tham gia dạy lớp truyền nghề dệt vải truyền thống cho 50 học viên, chủ yếu là phụ nữ Jrai thuộc các xã, phường trên địa bàn thị xã. Đến năm 2016, bà tiếp tục được mời dạy lớp truyền nghề dệt vải tại buôn Chư Băh (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) với hơn 20 học viên là chị em phụ nữ Jrai, mỗi lớp diễn ra trong 30 ngày.

“Kết thúc mỗi đợt học, có hơn 70% học viên tiếp thu và thực hành tốt việc dệt vải. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít chị em duy trì việc dệt thổ cẩm, đa số phải tìm công việc khác cải thiện thu nhập vì khó tìm được đầu ra cho sản phẩm”-bà H’Lót chia sẻ.

Nhận xét về bà H’Lót, bà Trương Thị Ngọc Tuyết-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Đoàn Kết-cho biết: Bà Kpă H’Lót là hội viên nhiệt tình, gương mẫu, tham gia hiệu quả các hoạt động, phong trào, hội thi do Hội, chính quyền địa phương tổ chức; tích cực xây dựng, đóng góp các quỹ hội, hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn.

Năm 2009, bà H’Lót được Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Và gần đây nhất, bà H’Lót giành giải C ở nội dung dệt vải thổ cẩm tại Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa lần thứ II-2022.

Cũng theo bà Tuyết: “Thời gian đến, Hội Liên hiệp phụ nữ phường sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia các lớp học dệt thổ cẩm do bà H’Lót trực tiếp truyền dạy, góp phần bảo tồn nghề dệt vải thổ cẩm, đồng thời giới thiệu, tìm đầu ra cho các sản phẩm dệt thổ cẩm của bà H’Lót nói riêng và chị em phụ nữ Jrai tại địa phương nói chung qua đó giúp hội viên cải thiện thu nhập”.

Có thể bạn quan tâm