Xã hội

Krông Pa chú trọng quản lý, đăng ký hộ tịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để đảm bảo quyền lợi nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp, hộ tịch. Nhờ đó, việc quản lý, đăng ký hộ tịch đạt chuyển biến tích cực, ý thức của người dân được nâng lên.
Đến bộ phận một cửa UBND xã Phú Cần làm lại giấy khai sinh, anh Nay Ngoanh (buôn Tang) cho hay: “Do giấy khai sinh của tôi bị mất nên phải lên xã xin cấp lại. Tại đây, tôi được cán bộ hướng dẫn các trình tự thủ tục và nhắc nhở bảo quản cẩn thận, kiểm tra kỹ các thông tin để tránh sai sót”.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng-công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Phú Cần-cho biết: Toàn xã có 1.528 hộ với 6.547 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 67% dân số. Trước đây, do nhận thức pháp luật về hộ tịch của một bộ phận người dân còn hạn chế nên không quan tâm làm giấy khai sinh, khai tử, cải chính hộ tịch, chứng thực... Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đăng ký hộ tịch trễ hạn; họ tên, năm sinh... không trùng khớp với một số giấy tờ liên quan nên gây khó khăn trong công tác quản lý. Để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, xã đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch, niêm yết công khai các quy định tại bộ phận một cửa. “Khi người dân đến làm việc tại bộ phận một cửa, chúng tôi chủ động giải thích thêm vai trò, ý nghĩa của công tác tư pháp, hộ tịch để bà con nắm bắt và thực hiện các quyền của mình”-ông Tùng nói.
Anh Nay Ngoanh (buôn Tang) đến bộ phận một cửa UBND xã Phú Cần làm lại giấy khai sinh. Ảnh: R’Ô HOK
Anh Nay Ngoanh (buôn Tang) đến bộ phận một cửa UBND xã Phú Cần làm lại giấy khai sinh. Ảnh: R’Ô HOK
Còn tại thị trấn Phú Túc, ông Ksor Phiên-công chức Tư pháp-Hộ tịch-cho hay: Ngoài tuyên truyền tại các cuộc họp ở khu dân cư, UBND thị trấn tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, xe công vụ, loa lưu động. Các nội dung tuyên truyền liên quan đến Luật Hộ tịch, văn bản hướng dẫn thi hành, trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện đăng ký hộ tịch; các hành vi cấm, chế tài xử lý đối với các vi phạm; ý thức tự kiểm tra thông tin trong giấy tờ tùy thân nhằm tránh sai sót. “Trong năm 2021, UBND thị trấn đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 231 trường hợp; khai tử 89 trường hợp; đăng ký kết hôn mới cho 89 cặp vợ chồng, tỷ lệ đăng ký hộ tịch đúng hạn đạt hơn 90%”-anh Phiên cho hay.
Những năm qua, Phòng Tư pháp huyện Krông Pa đã tham mưu giúp UBND huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về tư pháp, hộ tịch. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp thường xuyên đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện số hóa hộ tịch giai đoạn 1 theo kế hoạch của UBND huyện, đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; triển khai thực hiện đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hưởng chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Nhờ đó, việc quản lý, đăng ký hộ tịch trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, các xã, thị trấn đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 945 trường hợp; khai tử 205 trường hợp; đăng ký kết hôn mới cho 326 trường hợp; chứng thực 416.488 bản sao thuộc thẩm 
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Hoàng-Trưởng phòng Tư pháp huyện-thông tin: Hiện nay, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thực hiện trên phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp. Do có nhiều sự thay đổi từ hệ thống quản lý văn bản điều hành và phần mềm nên công chức Tư pháp-Hộ tịch gặp khó khăn khi triển khai. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở cơ sở. Hướng dẫn các xã, thị trấn đăng ký thực hiện công tác chứng thực bản sao điện tử hoàn thành theo chỉ tiêu đăng ký đầu năm. Thường xuyên kiểm tra công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại các xã, thị trấn để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót”-ông Hoàng cho biết.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm