Kinh tế

Nông nghiệp

Krông Pa: Gia tăng số hộ nông dân thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai thời gian qua đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Qua đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, thậm chí làm giàu trên chính quê hương mình.
Gia đình anh Rah Lan Đông được coi là một điển hình nông dân sản xuất giỏi ở buôn Bhă Nga, xã Ia Rmok. Anh Đông vui vẻ cho biết: “Năm 1998, khi lấy nhau, vợ chồng tôi có 2 ha đất rẫy, chủ yếu trồng mì nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2005, từ nguồn vốn vay ngân hàng, vợ chồng tôi mua thêm 2 ha đất rẫy và quyết định chuyển đổi sang trồng điều xen canh cây mì để tăng thu nhập. Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lợi mỗi năm hơn 200 triệu đồng”.
Mô hình nuôi gà thả vườn của anh Trịnh Xuân Tuyên. Ảnh: L.N
Cũng là một tấm gương sản xuất giỏi, anh Trịnh Xuân Tuyên (tổ 10, thị trấn Phú Túc) cho hay: “Trước đây, vì thiếu đất sản xuất, vợ chồng tôi thường phải đi làm thuê nhưng vẫn luôn thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2017, qua tìm hiểu, thấy mô hình nuôi gà thả vườn cần vốn đầu tư ít, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao nên vợ chồng tôi quyết định nuôi thử. Bình quân mỗi lứa gà, tôi nuôi 700-800 con, riêng dịp Tết Nguyên đán thì nuôi 1.500 con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu được hơn 100 triệu đồng”.
Qua phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Krông Pa đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Theo đó, giai đoạn 2017-2019, các hộ nông dân SXKD giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.585 lao động (khoảng 500 lao động có việc làm thường xuyên và hơn 1.000 lao động làm việc theo thời vụ).
Ngoài ra, các hộ này còn giúp đỡ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho hơn 2.000 hộ nông dân nghèo. Ông Đỗ Ngọc Tân (thôn Mới, xã Chư Rcăm) chia sẻ: “Sẵn có 25 ha đất, tôi đầu tư trồng mía. Mặc dù những năm qua, giá vật tư nông nghiệp cao, giá mía liên tục biến động nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên gia đình tôi vẫn có lợi nhuận ổn định hơn 300 triệu đồng/năm”. Cũng theo ông Tân, gia đình thường xuyên tạo việc làm cho hơn 20 lao động thời vụ và giúp đỡ một số hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Ngoài ra, gia đình ông còn gương mẫu đi đầu đóng góp cho các phong trào của địa phương như: xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đỡ gia đình chính sách, trẻ em nghèo hiếu học…
Bên cạnh đó, để giúp hội viên, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện thành lập 53 tổ liên kết với 1.274 thành viên, tổng số tiền cho vay là 114,8 tỷ đồng; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay hơn 75,2 tỷ đồng/2.381 lượt hộ vay. Hội cũng xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân được hơn 1,1 tỷ đồng; tập huấn khuyến nông cho 1.500 lượt hội viên, nông dân; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân giúp đỡ về vốn cho 231 lượt hội viên, nông dân nghèo với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hội viên, nông dân trong huyện cũng đã đóng góp trên 889 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, hiến hơn 5.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; cải tạo, nạo vét 4 km kênh mương nội đồng…
Trao đổi với P.V, ông Nay Pék-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa-thông tin: Từ năm 2017 đến nay, Hội đã kết nạp thêm 292 hội viên, nâng tổng số lên 9.951 hội viên (chiếm 66,8% số hộ nông nghiệp toàn huyện). Bình quân hàng năm, Hội có 1.500 hộ hội viên đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Năm 2019, toàn huyện có 1.317 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. So với giai đoạn 2015-2017, số hộ có mức thu nhập 100-200 triệu đồng/năm tăng gấp 2,48 lần, số hộ có mức thu nhập 200-300 triệu đồng/năm tăng 2,79 lần.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm