(GLO)- Mặc dù có xuất phát điểm thấp nhưng huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã biết vận dụng và phát huy được nội lực, tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ nên phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng tự hào.
Huyện nghèo nhưng sức dân mạnh
Krông Pa không được hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi” nhưng lại có được yếu tố “nhân hòa”. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, sức mạnh từ sự đoàn kết của toàn dân đã tạo đà cho địa phương vượt qua gian khó, gặt hái nhiều thành tựu.
Phú Cần là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Krông Pa. Trên con đường hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, sự đóng góp của người dân đã thực sự đưa chương trình đi vào cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND xã Kpă Cường vui mừng cho hay: Để có được “danh xưng” xã nông thôn mới đầu tiên của huyện, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì sức dân đã đóng vai trò quyết định cho chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Người dân hiến đất, góp ngày công để hình thành nên những trục đường từ xã ra đồng, xã kết nối với xã. Qua đó, giao thông đi lại thuận lợi, sản xuất nông nghiệp cũng vì thế phát triển theo.
Đến với xã Phú Cần hôm nay, dọc các trục đường bê tông phẳng lì là một cuộc sống yên bình, bộ mặt nông thôn tươi mới. Dù cái khó, cái nghèo ở đây vẫn chưa thể được đẩy lùi, nhưng nhìn thấy sự đổi thay qua từng nếp nhà, con ngõ hứa hẹn nhiều thành tựu phát triển kinh tế của vùng nông thôn nơi đây. Trong đó, người dân đang thể hiện vai trò là chủ thể của phong trào. Đứng trên con đường bê tông nối từ buôn làng ra cánh đồng lúa xanh mơn mởn, anh Rơ Chăm Gie (buôn Thim) tự hào khoe: “Để có được con đường này, gia đình mình đã hiến 1.400 m2 đất. Có đường bê tông kiên cố, bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn”.
Đường ra khu sản xuất của xã Phú Cần được người dân đóng góp ngày công, hiến đất. Ảnh: Khôi Nguyên |
Có thể khẳng định, dù có xuất phát điểm thấp nhưng huyện Krông Pa đã biết vận dụng và phát huy được nội lực, tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ nên phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện-chia sẻ: Những năm gần đây, đặc biệt là 2 năm (2020-2021), huyện đối diện với hàng loạt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, cuối năm 2021, huyện có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 3/13 xã; số thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới 4/53 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện tăng 8 tiêu chí so với năm 2020 (bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã).
“Đặc biệt, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện cũng đã có bước đột phá thêm như Chương trình OCOP được người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã đón nhận. Đến nay, toàn huyện đã có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, từ đó phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, dân chủ ở cơ sở được phát huy; cơ cấu kinh tế, lao động tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc”-ông Thảo vui mừng.
Biến khó khăn thành động lực
Dù chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy vậy, vẫn không tránh khỏi những mặt hạn chế, khó khăn và thách thức. Trong đó, khó khăn về thủy lợi, phương thức canh tác đối với cây trồng chủ lực của huyện đang kéo tiến trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội chậm đi một nhịp. Xác định được “cái khó”, chính quyền và người dân Krông Pa đang cố gắng “biến những khó khăn đó thành động lực”.
Theo ông Hồ Văn Thảo, huyện có hơn 48.000 ha đất nông nghiệp, gần 90% người dân sống chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi, phục vụ tưới tiêu thì rất hạn chế, chỉ khoảng 3.000 ha có nước tưới. Vì thế, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí về nâng cao thu nhập, môi trường. “Trong phát triển nông nghiệp, người ta có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đối với huyện Krông Pa, đất nông nghiệp nhiều nhưng thiếu nước tưới trầm trọng, không thể phát huy hết tiềm năng trong sản xuất”-ông Thảo trăn trở.
Vì thế, để phát triển kinh tế-xã hội, tạo đà thuận lợi cho các chương trình, chính sách của huyện, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển hệ thống thủy lợi, tăng diện tích tưới cao hơn nữa. Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương và tìm đầu ra cho các sản phẩm. Đồng hành cùng người dân thay đổi phương thức canh tác đối với cây mì để tăng năng suất, sản lượng”.
KHÔI NGUYÊN