Xã hội

Krông Pa hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng những giải pháp phù hợp, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rmok (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Xã Ia Rmok có trên 1.000 hội viên phụ nữ, trong đó, hơn 45% hội viên là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, Hội LHPN xã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động cũng như đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững. Để có cơ sở cho hội viên hưởng ứng, Hội tích cực phối hợp mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, tham quan mô hình kinh tế tiêu biểu, hướng dẫn sản xuất theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.
Trước đây, gia đình chị Kpă H’Pưih (buôn Gum) chủ yếu trồng lúa nên cuộc sống rất khó khăn. Được sự vận động, hỗ trợ của cán bộ Hội LHPN xã, chị đã vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để chuyển đổi sang trồng mì kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên kinh tế của gia đình chị ngày càng phát triển. Hiện gia đình chị có hơn 1 ha mì, 5 sào lúa, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.
Chị Kpă H’Pưih phấn khởi cho biết: “Nhờ được vay vốn ưu đãi cùng với cán bộ Hội LHPN xã hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt khoa học nên thu nhập của gia đình khá hơn nhiều so với trước đây và đã thoát nghèo. Tôi cố gắng tích lũy thêm vốn mở rộng trồng trọt, chăn nuôi để có điều kiện lo cho các con ăn học và xây dựng nhà cửa khang trang hơn”.
Nhiều phụ nữ ở xã Ia Rmok được hỗ trợ về vốn và kiến thức trồng trọt, chăn nuôi nên có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ảnh: Lê Đại
Nhiều phụ nữ ở xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) được hỗ trợ về vốn và kiến thức trồng trọt, chăn nuôi nên có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ảnh: Lê Đại
Cũng nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã mà gia đình chị Ksor H’Nghier (buôn Nông Siu) đã vươn lên thoát nghèo. Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu từ việc làm thuê, làm mướn nên chuyện thiếu ăn, thiếu mặc luôn xảy ra. Sau khi được Hội LHPN xã cho đi tham quan học tập các mô hình kinh tế mới của chị em trong vùng, chị dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Sau thời gian kiên trì vừa làm, vừa học hỏi, mô hình kinh tế của gia đình chị bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định. Từ gần 1 ha mì cộng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm chị thu về gần 50 triệu đồng. “Nhờ Hội LHPN xã động viên, khuyến khích thay đổi cách thức làm ăn nên kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ học hỏi thêm các mô hình làm ăn hiệu quả để mở rộng diện tích cây trồng, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời mong muốn tiếp tục được các cấp Hội Phụ nữ giúp đỡ thêm về nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất”-chị H’Nghier nói.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rmok Nguyễn Thị Ly Na chia sẻ: “Để giúp hội viên phụ nữ phát triển sản xuất ổn định, Hội đã tạo điều kiện cho chị em tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời xây dựng các mô hình chi tiêu tiết kiệm, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất. Đến nay, Hội đã tín chấp thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện gần 12 tỷ đồng cho 349 chị vay; duy trì hiệu quả các mô hình “3 trong 1”, “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 đến 10 triệu đồng”, quỹ xoay vòng vốn… để giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2021, Hội LHPN xã đã giúp 207 hội viên phụ nữ thoát nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 18,69%”.
Hiện phần đông hội viên phụ nữ trong xã có mô hình cho thu nhập ổn định như: trồng mì, thuốc lá, lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Trong đó, mô hình nhỏ và vừa cho thu nhập 30-40 triệu đồng/năm, mô hình khá cho thu nhập 70-80 triệu đồng/năm.
“Thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong hội viên. Trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ nâng cao kiến thức sản xuất, vận động chị em chuyển đổi cây trồng phù hợp. Cùng với đó, vận động hội viên có mô hình khá hướng dẫn, giúp đỡ cho các hộ hội viên nghèo để cùng làm ăn, thoát nghèo bền vững. Tăng cường kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, nhất là cho hộ hội viên khó khăn”-bà Na cho biết thêm.
LÊ ĐẠI

Có thể bạn quan tâm