(GLO)- Những năm qua, huyện Krông Pa đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đàn bò. Trong đó, mô hình hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò lai được Trạm Khuyến nông huyện triển khai trong 2 năm (2015 và 2016) đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng đàn bò lai của địa phương.
Hai con bò lai của gia đình ông Phạm Văn Dũng sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Q.T |
Krông Pa là một trong những huyện có tổng đàn bò lớn nhất tỉnh. Toàn huyện có gần 61 ngàn con, trong đó, tỷ lệ bò lai chỉ chiếm khoảng 20% . Phần lớn đàn bò của huyện là giống bò vàng địa phương, tỷ lệ thịt đạt thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Ông Ksor Blăk-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa, cho biết: “Đa số người dân trên địa bàn huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chăn nuôi theo hình thức truyền thống, sử dụng giống bò vàng địa phương, thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi bò, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh, trong 2 năm (2015 và 2016), Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò lai cho 11 hộ dân trên địa bàn xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc”.
Theo ông Ksor Blăk, tổng số vốn thực hiện mô hình được giải ngân trong 2 năm gần 853 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh là 650 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân đóng góp gần 203 triệu đồng. Qua đó, 11 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò đực, 1 con bò cái lai (trong đó, 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% giống, 6 hộ người Kinh được hỗ trợ 50% giống bò cái và 100% giống bò đực), 1 kg giống cỏ/hộ, hỗ trợ 60% kinh phí mua máy băm cỏ, thuốc thú y. Các hộ tham gia mô hình tự đầu tư làm chuồng trại, mua phân bón… Giống bò được chọn để cấp cho các hộ dân là bò Brahman đỏ hoặc bò Red Sindhi, có tầm vóc, thể trạng lớn, thích hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên ở địa phương, sinh trưởng và phát triển nhanh.
Để mô hình đạt kết quả cao, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với UBND xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc chọn những hộ dân chịu khó làm ăn, có vốn đối ứng, có khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học và phải có ít nhất 3 con bò cái sinh sản để phối giống với bò đực lai. Đồng thời, Trạm tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình và những hộ lân cận về kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phối tinh cho bò cái giống và phòng trừ bệnh.
Bò lai con sinh ra có thể trạng to, khỏe và lớn nhanh hơn bò địa phương. Ảnh: Q.T |
“Dù mới triển khai chưa lâu nhưng bước đầu mô hình đã mang lại những tín hiệu tích cực. hiện đã có 4 con bò cái lai của 4 hộ tham gia mô hình đẻ con và hàng chục con bò cái (cả bò cái lai của mô hình và bò cái giống địa phương) đã được bò đực lai phối giống và đang mang thai”-ông Blăk cho biết thêm.
Anh Ksor Kul (tổ dân phố 5, thị trấn Phú Túc) cho biết: “Từ khi tham gia mô hình này, tôi thấy đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt hơn nhờ nguồn thức ăn dồi dào, chuồng trại thông thoáng. Đặc biệt, 2 con bò lai được cấp thích nghi khá tốt với điều kiện tự nhiên, ăn khỏe và ít bị bệnh. Đến nay, bò cái lai của gia đình tôi đã sinh được 1 con bê có thể trạng to và khỏe hơn nhiều so với giống bò của gia đình trước đây. Ngoài ra, trong 5 con bò cái giống địa phương của gia đình đã có 3 con được bò đực lai phối giống và đang mang thai”.
Tương tự, số bò lai của gia đình bà Kror HLai (tổ dân phố 13, thị trấn Phú Túc), ông Phạm Văn Dũng (tổ dân phố 17, thị trấn Phú Túc)… cũng đã thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu, tự nhiên. Trong đó, con bò đực lai phát huy hiệu quả việc nhân giống bò lai trên đàn bò địa phương. Đây là điều kiện để góp phần nhân rộng giống bò lai trên địa bàn thị trấn Phú Túc, xã Phú Cần nói riêng và toàn huyện Krông Pa nói chung, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Quang Tấn