Kinh tế

Dự án phát triển đàn bò lai, giúp nông dân Kbang thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm giúp nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi hình thức chăn nuôi bò nhỏ lẻ sang hướng chăn nuôi bò có hiệu quả kinh tế cao… những năm qua, huyện Kbang (Gia Lai) đã triển khai dự án phát triển đàn bò thịt chất lượng góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Hiện nay, tổng đàn bò của huyện Kbang có hơn 17.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm trên 60%. Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo của huyện và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, dẫn tinh viên. Từ năm 2006 đến nay, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, Trạm Khuyến nông huyện Kbang đã đưa vào thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo nhằm lai tạo tăng thể trọng đàn bò. Dự án tập trung chủ yếu tại các xã: Đông, Nghĩa An, Đak Hlơ, Kông Lơng Khơng, Kông Pla, Tơ Tung, Đak Smar, Sơ Pai và thị trấn Kbang…

Qua gần 6 năm thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo ở bò đã cho ra đời gần 1.400 con bê lai giống Brahman có u to, yếm rộng và tầm vóc lớn hơn nhiều so với giống bò địa phương và tăng trưởng nhanh. Như vậy việc cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng đàn bò đã đưa lại nguồn lợi thiết thực cho người nông dân.

Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam

Những năm về trước, gia đình ông Ngô Văn Sở, thôn 3, xã Nghĩa An, nuôi 8 con bò-giống bò cỏ địa phương nhỏ con, ít thịt, hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy ông quyết định chọn hướng phát triển bò lai và đã chọn 4 bò cái đạt tiêu chuẩn phối giống để thay đổi chất lượng đàn bò. Bê lai sơ sinh mỗi con có trọng lượng từ 20 kg đến 25 kg và 6 tháng tuổi đạt từ 70 kg đến 80 kg. Với giá thị trường hiện nay, mỗi con bê lai 6 tháng tuổi bán được từ 10 triệu đồng đến 11 triệu đồng, cao hơn gấp 1,3 đến 1,5 lần so với giống bò cỏ.

Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, đề phòng bệnh thường gặp cho bò; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sự sinh trưởng và hướng dẫn người dân chăm sóc hợp lý. Nhờ đó hầu hết đàn bò đều khỏe mạnh, bê lai phát triển tốt. Ông Lê Văn Giới- dẫn tinh viên ở xã Đông cho biết: Qua dự án nâng cao, cải tiến chất lượng đàn bò thịt chất lượng cao, được người dân tiếp nhận, phấn khởi. Việc thụ tinh nhân tạo cho bò rất đơn giản, hiệu quả cao, cho ra đời những giống bò tốt, có tầm vóc to, khỏe; giá trị của con bò tăng gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống.

Nhờ chăn nuôi bò lai mà nhiều hộ trên địa bàn huyện đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như gia đình ông Đinh Nô (ở làng Tung), ông Đinh Krang (làng Đak Giang 2) và ông Lê Văn Việt (ở thôn 7, xã Đông)... Có thể nói dự án phát triển đàn bò lai chất lượng cao trong thời gian qua đã làm thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất chăn nuôi, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình trồng cỏ VA06 góp phần bổ sung thức ăn xanh cho gia súc, nhất là vào những thời điểm khan hiếm thức ăn trong mùa khô.

Ông Dương Văn Thọ- Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Kbang cho biết: Hiện nay, ngành chăn nuôi của huyện chú trọng đến việc tăng trưởng của đàn bò. Thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phối giống với đàn bò địa phương nhằm cải tạo đàn bò-nâng cao chất lượng đàn bò, giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm