Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Krông Pa nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) hiện có đến hơn 18,5% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Nhằm giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ, huyện đã đẩy mạnh công tác truyền thông và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực. 
Dù đã quá trưa nhưng bếp nhà ông Rô Ô Winh (buôn Dù, xã Chư Rcăm) vẫn lạnh ngắt, mấy đứa nhỏ thơ thẩn ngoài sân vườn. Vừa đi sửa máy bơm nước về, ông Winh cho biết: “Sáng vợ mình dậy sớm nấu cơm cho con rồi, khi nào đói thì chúng tự vào lấy ăn. Giờ đang mùa thu hoạch nên vợ chồng mình phải đi gặt lúa trên rẫy. Mình tranh thủ đi sửa máy bơm về xem con cái thế nào rồi lại phải đi ngay”. Theo ông Winh, gia đình ông có 5 đứa con, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Nhìn những đứa trẻ nhỏ vùng sâu bên mâm cơm đạm bạc, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Chị Lâm Thị Nương (buôn Ama Leo, xã Đất Bằng) có con gái 3 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh. Nở nụ cười gượng, chị Nương trải lòng: “Lúc sinh ra, cháu đã suy dinh dưỡng”. Theo chị, nguyên nhân con suy dinh dưỡng là do lúc mang thai, chị không có điều kiện bồi bổ vì hoàn cảnh khó khăn, cơm nhiều lúc không đủ no.
Theo bà Lê Thị Nhung-cán bộ chuyên trách về chương trình dinh dưỡng Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, tình trạng suy dinh dưỡng đối với trẻ dưới 5 tuổi còn khá phổ biến. Nguyên nhân do bố mẹ ít quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho con, phụ nữ mang thai không được ăn uống đủ chất.
Huyện Krông Pa tăng cường tuyên truyền phòng-chống suy dinh dưỡng ở trẻ tại các xã đặc biệt khó khăn. Ảnh: Thu Hạnh
Huyện Krông Pa tăng cường tuyên truyền phòng-chống suy dinh dưỡng ở trẻ tại các xã đặc biệt khó khăn. Ảnh: Thu Hạnh
Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Toàn huyện có 9/14 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, nhờ thực hiện các chương trình, dự án về phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ em kết hợp với sự tuyên truyền, tư vấn của cán bộ và cộng tác viên y tế nên tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ có phần giảm xuống. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng vẫn chiếm trên 18,5%. Nguyên nhân là các bà mẹ vùng nông thôn chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, nhiều gia đình khó khăn, lại sinh nhiều con nên không có điều kiện để chăm lo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Để hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Y tế huyện xác định tiếp tục phối hợp với Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh đẩy mạnh truyền thông phòng-chống suy dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em. Riêng tại 9 xã đặc biệt khó khăn, Trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng truyền thông, tư vấn, hướng dẫn người dân kiến thức thực hành dinh dưỡng nhằm thay đổi hành vi trong việc nuôi con bằng sữa mẹ và chế biến bữa ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng từ các thực phẩm tự sản xuất. Những hoạt động này được đẩy mạnh hơn vào các đợt chiến dịch như: Ngày vi chất dinh dưỡng, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… để từ đó người dân, nhất là các bà mẹ có thể chủ động phòng-chống suy dinh dưỡng cho con. Mặt khác, Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối cho trẻ em; tiếp tục truyền thông, tư vấn dinh dưỡng trực tiếp cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên y tế…
“Giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chuyên trách mà cần sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là các bà mẹ. Cùng với đó, cần huy động nguồn lực xã hội để có thêm điều kiện hỗ trợ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn lực vững mạnh cho đất nước”-bác sĩ Bửu thông tin.
THU HẠNH

Có thể bạn quan tâm