(GLO)- Tôi là cán bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum tăng cường về huyện Krông Pa công tác từ tháng 5-1985 và ở lại cho đến giờ. Với tôi, 35 năm gắn bó với Krông Pa là một quãng thời gian đẹp của cuộc đời, vì nơi ấy tôi đã được rèn luyện, trưởng thành.
Chuyến xe đưa chúng tôi đi Krông Pa xuất phát lúc 7 giờ 30 phút từ Pleiku, vậy mà đến 16 giờ hơn mới đến nơi. Sau 3 ngày ở tại UBND huyện, tôi có quyết định phân công tăng cường về làm cán bộ xã Ia Mlah. Đêm đầu tiên về xã, tôi nằm trên chiếc võng dù đu đưa ở góc nhà sàn rất dài tại buôn Prông của bố mẹ vợ anh Ama Chuân-Chủ tịch UBND xã. Vì không có dầu thắp sáng nên gương mặt mỗi người trong nhà chỉ thoáng thấy chập chờn nhờ ánh sáng từ bếp củi phía cuối nhà. Thằng Chuân 5 tuổi đang sốt rét, khóc đòi uống nước. Mấy con chó thấy người lạ nên cứ chạy ra vào khiến sàn nhà làm bằng tre kêu lạch cạch suốt đêm; dưới sàn nhà, mấy con bò vừa huơ đuôi đuổi muỗi vừa giành chỗ đứng. Mắt tôi cay sè vì khói củi đốt để xua muỗi nhưng vẫn chưa ngủ được. Ngoài hiên, trăng cuối tháng lên muộn phủ ánh sáng bàng bạc trên buôn làng yên tĩnh. Có tiếng gà rừng gáy vọng xa, rồi chỉ sau chốc lát đã nghe tiếng chày giã gạo rộn vang cả buôn. Trời vừa hửng sáng đã thấy các cô gái trong làng mang gùi đựng đầy quả bầu khô thoăn thoắt đi về hướng suối để lấy nước. Khi trời sáng hẳn, mọi người mang theo công cụ và đồ dùng thường ngày cùng với đàn bò, theo sau là các chú chó đi lên nương rẫy để bắt đầu công việc của một ngày mới.
Một góc thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, Gia Lai) hôm nay. Ảnh: Đức Mạo |
Sáng hôm sau, tôi chờ đoàn cán bộ của huyện tăng cường về xã để nhận nhiệm vụ và được chuyển ra ở tạm trong một lán tranh, nơi trước đó là kho chứa nông sản của xã khi đến mùa thu hoạch. Thời tiết oi ả, nóng nực vô cùng, lại không điện, không nước, không phương tiện đi lại, không thông tin liên lạc, không tiền (mà cũng chẳng có hàng hóa gì để mua, ngoài chế độ tem phiếu với đồng lương ít ỏi và rau dưa xin ở rẫy bà con về để phục vụ cuộc sống hàng ngày). Chúng tôi-những cán bộ của huyện tăng cường-được UBND xã phân công mỗi người về phụ trách một buôn với nhiệm vụ cùng với bà con nơi đây chặt cây rào vườn, dựng chuồng trại, vận động phát triển kinh tế vườn, ăn ở hợp vệ sinh, loại bỏ các tập tục lạc hậu. Đồng thời vận động, tuyên truyền nhân dân không nghe theo kẻ xấu, cảnh giác với bọn phản động và FULRO.
Cuộc sống tại nơi ở mới vô cùng khắc nghiệt. Người dân lúc bấy giờ còn sản xuất theo hình thức phát, đốt, chọc, trỉa, luôn quẩn quanh với nỗi lo toan vào mùa giáp hạt vì còn đó bao thiếu thốn: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở, thiếu dầu đèn, thuốc men và luôn bị đe dọa trước dịch bệnh sốt rét. Mỗi ngày, tôi chứng kiến rất nhiều lượt cáng võng đưa người bệnh đi bệnh viện, nhiều trường hợp bị sốt rét ác tính phải bỏ mạng mà không kịp cứu chữa, nhất là những gia đình đi kinh tế mới chưa quen với khí hậu, thời tiết. Có gia đình cha mẹ chết hết bỏ lại đàn con thơ, nhiều người sợ quá phải bỏ nhà cửa đi tìm nơi khác để ở. Dù cuộc sống còn đói khổ như thế nhưng người dân vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Bao nhiêu thứ trồng và nuôi được, trừ lúa để lại ăn, họ đều bán cho các công ty của Nhà nước để cùng xã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch huyện giao; đồng thời họ cũng được nhận lại hàng đối lưu như mắm muối, bột canh, cá khô, chăn chiếu, săm lốp xe đạp... bảo đảm nhu cầu tối thiểu cho cả năm, nếu thiếu gạo ăn thì đào thêm củ mài.
Lúc bấy giờ, quốc lộ 25 là đường đất nhỏ hẹp, phải đi qua nhiều ngầm sâu cầu tạm vì hầu hết các cầu trên đường đều bị sập do chiến tranh. Nếu ai đó có nhu cầu đi ra khỏi huyện thì lên huyện Ayun Pa rồi bắt xe đi tiếp, vì thời ấy mỗi tháng chỉ có một chuyến xe từ Pleiku về huyện. Ngoài 3 chiếc xe U-oát của Huyện ủy, UBND huyện và bệnh viện cùng vài chiếc xe tải của các công ty nhà nước (dùng vận chuyển hàng cấp theo tem phiếu và hàng đối lưu phục vụ nhân dân) thì chẳng còn phương tiện nào khác để ra khỏi huyện. Phải nói rằng, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện Krông Pa lúc bấy giờ hầu như không có gì, tại trung tâm huyện chỉ có vài chục ngôi nhà và một số ít người Kinh sinh sống. Nơi làm việc của chính quyền khi ấy chỉ là mấy căn nhà tôn vắng chủ và vài cơ sở của chế độ cũ để lại. Chưa kể tình hình an ninh chính trị phức tạp, bọn FULRO và một số người của ngụy quyền còn ngoan cố, thường xuyên chống phá cách mạng.
Năm 1986, cùng đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo thực hiện 2 nhiệm vụ cơ bản là giải quyết nạn FULRO và xây dựng thủy lợi để phát triển sản xuất, giải quyết nạn đói trong dân. Vượt qua bao khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ và nhân dân Krông Pa đã hoàn thành việc truy quét FULRO vào năm 1991, sau đó tiếp tục đón nhận dân kinh tế mới và thực hiện định canh định cư. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia, phát thanh truyền hình... dần được đầu tư. Mạng lưới trường học các cấp được phát triển và được kiên cố hóa đến tận thôn buôn; thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư; sức khỏe nhân dân được quan tâm chăm sóc. Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không ngừng được xây dựng mới, sản xuất hàng hóa và giao thương hàng hóa phát triển... Từ đây, đời sống người dân được cải thiện và mức sống được nâng lên, bộ mặt thị trấn và nông thôn có nhiều khởi sắc.
Lịch sử là một dòng chảy vô tận từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. 40 năm đầu là quãng thời gian rất quan trọng trong hành trình phát triển của một địa phương. Tôi cho rằng, những thành quả mà Krông Pa đạt được trong 40 năm qua thật ý nghĩa và đáng trân trọng. Chúng ta kỳ vọng đó là cơ sở, là nền tảng để bứt phá, vươn lên tiếp cận và hòa mình vào dòng chảy chung của các địa phương trong tỉnh để Krông Pa ngày càng giàu đẹp, vững mạnh, yên bình và thực sự là nơi đáng sống.
TẠ CHÍ KHANH