Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Krông Pa: Phát hiện thêm một số di tích khảo cổ thời tiền sử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ông Tô Văn Chánh-Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) vừa có buổi làm việc với TS. La Thế Phúc-cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam và đoàn công tác liên quan đến việc tiếp tục phát hiện thêm một số di tích khảo cổ thời tiền sử phân bố dọc hai bên bờ sông Ba thuộc địa bàn huyện Krông Pa. 
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thương
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thương
Tại buổi làm việc, TS. La Thế Phúc cho biết, thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đak Nông", mã số TN17/T06 do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì, TS. La Thế Phúc làm Chủ nhiệm, năm 2019, đoàn công tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phát hiện 3 điểm di tích khảo cổ thời tiền sử dọc sông Ba đoạn qua huyện Krông Pa.
Mới đây, trong 2 ngày (3 và 4-4), đoàn đã phát hiện thêm 5 điểm di tích khảo cổ thời tiền sử, nâng tổng số điểm di tích khảo cổ thời tiền sử ở khu vực huyện Krông Pa lên con số 8. Đoàn đã giới thiệu 17 mẫu vật là các công cụ lao động bằng đá khai quật được. Sau đó, tặng lại các mẫu vật cho huyện Krông Pa để thực hiện trưng bày.
Cũng trong chuyến công tác này, đoàn đã kết hợp khảo sát khu vực bến nước buôn Tơnia (thuộc xã Chu Gu), nơi trước đây được cho là có hóa thạch Cúc đá-tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt.
Bí thư Huyện ủy Krông Pa Tô Văn Chánh trân trọng tiếp nhận 17 mẫu vật do đoàn công tác tặng. Đồng thời cho biết thống nhất với đoàn công tác sẽ kiến nghị lên Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên để tiến hành khai quật và khám phá nhằm tìm hiểu các giá trị lịch sử những cổ vật, cũng như giám định thông tin chính xác về tên, thời gian xuất hiện cũng như các giá trị liên quan khác.
SƠN TRUNG-HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm