Điểm đến Gia Lai

Krông Pa tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- 45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, lập nhiều thành tích trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Dấu ấn 45 năm

Huyện Krông Pa được thành lập ngày 23-4-1979 theo Quyết định số 178/QĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ huyện Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa). Huyện Krông Pa nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Phú Yên và là cửa ngõ kết nối giữa Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thông qua quốc lộ 25.

Khi mới thành lập, huyện có 6 xã, dân số khoảng 21.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%. Đến nay, dân số của huyện trên 93.000 người (gần 70% là người dân tộc thiểu số) sinh sống tại 14 xã, thị trấn.

Từ một huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, công nghiệp và thương mại-dịch vụ hầu như chưa có gì, đời sống người dân vô cùng khó khăn, đến nay, Krông Pa có một nền tảng kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Năm 2023, quy mô nền kinh tế tăng gấp 60 lần so với năm 1979; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2023 trên 11%; tỷ trọng nông-lâm nghiệp chiếm 39,31% (giảm 8,63% so với năm 2013); ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 36,09% (tăng 9,22% so với năm 2013); ngành thương mại-dịch vụ 24,64% (tăng 1,2% so với năm 2013); thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 54 lần so với năm 1979.

Thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: L.N

Thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: L.N

Ngành nông nghiệp huyện phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; các chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, phân bón và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất được chú trọng. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng, nhất là cây mì, điều. Năm 1979, tổng diện tích gieo trồng của huyện khoảng 7.000 ha, chủ yếu bằng phương pháp phát-đốt-chọc-trỉa, tự cung tự cấp về lương thực.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 50 ngàn ha. Hầu hết các khâu đã được cơ giới hóa, từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Ngành chăn nuôi phát triển tương đối ổn định với hơn 62 ngàn con bò, hơn 16 ngàn con heo, hơn 13 ngàn con dê và hơn 180 ngàn con gia cầm.

Cùng với đó, huyện xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là khâu đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Khi mới thành lập, toàn huyện chưa có cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nào thì đến nay đã có 11 nhà máy và trên 512 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước năm 2013.

Hiện UBND tỉnh đã cho phép một số doanh nghiệp đăng ký 9 dự án đầu tư trên địa bàn huyện, trong đó, 3 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, UBND huyện đã chủ động tạo điều kiện cho 15 doanh nghiệp đến khảo sát lập dự án chăn nuôi trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Người dân huyện Krông Pa thu hoạch lúa. Ảnh: L.N

Người dân huyện Krông Pa thu hoạch lúa. Ảnh: L.N

Ngành thương mại, dịch vụ của huyện cũng có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung. Mạng lưới các loại hình dịch vụ, thương mại được mở rộng và đa dạng. Đến nay, toàn huyện có 126 doanh nghiệp, 21 hợp tác xã và trên 1.500 hộ kinh doanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hàng năm đạt trên 2.450 tỷ đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư theo hướng kiên cố, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường lớp, bệnh viện, trạm y tế và công sở... Hiện các xã đều có đường ô tô thông suốt đến trung tâm xã và tận các thôn, buôn. Đặc biệt, các tuyến đường nội thị được đầu tư nâng cấp, mở rộng khang trang và trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị sáng-xanh-sạch-đẹp. Thu ngân sách hàng năm tăng 15-20%. Đến nay, huyện đã có 3 xã và 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Lễ bàn giao công trình mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Ma Giai sang buôn Ia Rpua (xã Đất Bằng). Ảnh: L.N

Lễ bàn giao công trình mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Ma Giai sang buôn Ia Rpua (xã Đất Bằng). Ảnh: L.N

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Những ngày đầu thành lập, toàn huyện có 6 trường tiểu học với hơn 1.000 học sinh; tỷ lệ trẻ em đến trường chỉ đạt 25%; gần 90% dân số mù chữ. Đến nay, huyện có 48 đơn vị trường học với hơn 24.000 học sinh và gần 1.300 giáo viên; trong đó có 30 trường đạt chuẩn quốc gia, các trường còn lại đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 99,86%; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 99,55%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 96%.

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được quan tâm và có nhiều chuyển biến. Đến nay, 13/14 trạm y tế có bác sĩ; 12/14 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Các lĩnh vực văn hóa-thông tin, phát thanh-truyền hình, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ. Các chương trình an sinh xã hội, giải quyết chế độ cho đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 3,5%; riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 4%. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 12,55%. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định; quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Định hướng phát triển bền vững

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong 45 năm qua, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện Krông Pa triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai thác tốt tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững; đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Trước hết là triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, huyện sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế về quỹ đất rộng lớn và khí hậu nắng nhiều để phát triển kinh tế. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời, năng lượng sạch, cơ sở kinh doanh, chăn nuôi công nghệ cao. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững; đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi. Tập trung chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nắng nóng của địa phương như: cây thuốc lá, dưa hấu.

Hiện tại, huyện đang trồng thử nghiệm cây thuốc lá xì gà và triển khai mô hình trồng cây thuốc lá 2 vụ. Tập trung thay đổi cơ cấu giống thuốc lá mới để nâng cao hàm lượng nicotine nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Tiếp tục chuyển đổi giống mì cũ, năng suất thấp, kháng sâu bệnh kém sang trồng giống mì mới sạch bệnh (HN3, HN5) và dự kiến đến năm 2025 sẽ phủ kín toàn bộ giống mì mới này. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất để giảm chi phí nhân công, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.

Cùng với đó, thu hút, phát triển nhà máy chế biến nông sản theo chuỗi giá trị. Tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thuốc là là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện Krông Pa. Ảnh: L.N

Thuốc là là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện Krông Pa. Ảnh: L.N

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên địa bàn. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ; nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm