(GLO)- Công trình Trạm bơm tại cánh đồng Kơza, xã Chư Gu, huyện Krông Pa được đầu tư hơn chục tỷ đồng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà đến nay công trình này vẫn chưa phát huy hết công suất thiết kế dẫn đến hàng chục ha ruộng của người dân bỏ hoang vào mùa khô, còn mùa mưa thì sản xuất cầu may, dựa vào nước trời.
Công trình Trạm bơm điện và hệ thống kênh mương dẫn nước về cánh đồng Kơza được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2009 với tổng kinh phí 7,4 tỷ đồng, phục vụ tưới cho khoảng 140 ha lúa 2 vụ. Sau đó, các năm 2011 và 2014 được đầu tư thêm khoảng 4 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng, các tuyến mương nhỏ, sửa chữa hệ thống bể chứa…
Tuy nhiên, công trình thủy lợi này đến nay vẫn chưa phát huy hết công suất theo thiết kế, hàng chục ha ruộng dù nằm cạnh bên mương nước nhưng không thể lấy được nước để sản xuất. Hàng chục hộ dân đang sản xuất tại cánh đồng này phải quay lại với cách sản xuất như trước đây, mùa mưa sản xuất dựa vào nước trời, mùa khô thì bỏ hoang.
Dù đã xuống giống hơn tháng nay nhưng ruộng lúa của gia đình anh Keo hầu như không phát triển vì không có mưa... Ảnh: Q.T |
Anh Siu Keo (thôn Tập đoàn 3, xã Chư Gu) đang lay hoay tìm cách lấy nước để cứu 2 sào ruộng của gia đình đang khô hóc vì thiếu nước trong vô vọng, dù ruộng anh nằm ngay cạnh kênh mương. Anh Keo cho biết: “Gia đình mình có 4 sào lúa tại cánh đồng này nhưng chỉ có 2 sào là có nước để sản xuất do chân ruộng thấp còn 2 sào thì sản xuất dựa vào nước trời, năm nào mưa thuận thì thu được ít còn giống như năm này thì coi như mất trắng”.
Cũng theo anh Keo, có nhiều diện tích ruộng dù tuyến kênh mương đi ngang qua nhưng vì chân ruộng cao, trong khi đó nước trong mương lại ít nên có khá nhiều diện tích bỏ hoang vào mùa khô, còn mùa mưa thì sản xuất theo kiểu cầu may, hoàn toàn dựa vào nước trời.
Tương tự, dù có 3 sào ruộng tại cánh đồng này nhưng gia đình ông Nay Kni (buôn Bát, xã Chư Gu) chỉ sản xuất được một vụ và dựa hoàn toàn vào nước trời. Anh Kni cho biết: “Vì ruộng của gia đình mình nằm xa kênh mương chính, chân ruộng lại cao nên nước không tới ruộng được nên đành phải sản xuất cầu may, dựa vào nước trời thôi”.
Nhiều diện tích do chân ruộng quá thấp nên thường xuyên bị ngập trong nước. Ảnh: Q.T |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu, huyện Krông Pa cho biết, từ khi công trình Trạm bơm đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả tích cực, hiệu quả sản xuất, năng suất cây trồng tăng so với trước đây, đời sống một bộ phận người dân được nâng lên. Tuy nhiên, do nguồn vốn ban đầu đầu tư thiếu đồng bộ, không khoa học, chỉ đầu tư trạm bơm, hệ thống kênh mương mà không đầu tư san ủi cánh đồng dẫn đến nhiều diện tích không lấy được nước, một số diện tích thì ngập trong nước vào mùa mưa không thể sản xuất.
Theo thống kê, diện tích không tưới được từ công trình trạm bơm này khoảng 60 ha và khoảng 10 ha bị ngập trong nước vào mùa mưa, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cũng như đời sống người dân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, trong thời gian tới, đề nghị tỉnh, huyện cần ưu tiên đầu tư kinh phí để san ủi lại cánh đồng, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng, đầu tư các tuyến đường vào khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển nông sản…
Quang Tấn