(GLO)- Krông Pa (tỉnh Gia Lai) là huyện thuần nông, có thế mạnh cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi. Tận dụng thế mạnh này, từ nhiều năm nay, huyện đã triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người dân.
Đàn bò và cây trồng lớn nhất
Krông Pa sở hữu đồng cỏ rộng trên 700 ha và khoảng 24.000 ha đồng cỏ tự nhiên, chưa kể khoảng 160.000 ha rừng với thảm cỏ dưới tán rừng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để địa phương phát triển đàn bò theo hướng bền vững. Theo đó, Krông Pa đang sở hữu đàn bò lớn nhất vùng Tây Nguyên (so cùng đơn vị hành chính) với khoảng 63.000 con, trong đó có khoảng 25.000 con bò lai.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-chia sẻ: Qua nghiên cứu cho thấy, đồng đất Krông Pa chứa hàm lượng kali tự nhiên rất cao. Do vậy, chất lượng thịt bò ở Krông Pa thì hiếm nơi bì được. Thịt bò Krông Pa ngon nhất là vào dịp cuối năm. Bởi đây là thời điểm chồi non, lộc biếc tích lũy được, bò ăn vào như được thưởng thức cả hương trời khí đất tích tụ lại.
Nhắc đến Krông Pa, không thể không nhắc đến sản phẩm thuốc lá sợi vàng. Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện-khẳng định: “Đồng đất Krông Pa, hễ nơi nào có nước, nơi đó trồng được cây thuốc lá!”.
Năm 1991, Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam (nay là Công ty cổ phần Hòa Việt) trồng thử nghiệm cây thuốc lá vàng ở Krông Pa. Qua thử nghiệm cho thấy, cây thuốc lá rất phù hợp với đồng đất và khí hậu nơi đây. Theo đó, từ 3 ha năm 1991, đến nay, huyện đã sở hữu diện tích thuốc lá lớn nhất tỉnh. Cả tỉnh có diện tích thuốc lá vụ Đông Xuân 2021-2022 khoảng trên 3.000 ha, riêng huyện Krông Pa đã có đến 2.233 ha, sản lượng đạt trên 5.500 tấn thuốc lá sấy khô.
Người dân Krông Pa thu hoạch dưa hấu. Ảnh: Văn Ngọc |
Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chăm sóc, sơ chế, thu mua sản phẩm thuốc lá. Thuốc lá đã thực sự trở thành sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Hàng năm, cây thuốc lá ở huyện Krông Pa có giá trị sản lượng trên 220-250 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách 9-10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đồng đất và khí hậu của Krông Pa cũng là nơi thích hợp để phát triển cây dưa hấu. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hàng năm, toàn huyện có khoảng 1.000 ha trồng dưa hấu với sản lượng khoảng 40.000 tấn.
Trong một hội nghị về cây dưa hấu diễn ra mới đây ở tỉnh Bình Thuận, số liệu thống kê cho thấy: Hàng năm, sản lượng dưa hấu của cả nước đạt khoảng 200.000 tấn, riêng huyện Krông Pa đã đóng góp 40.000 tấn, bằng 25% sản lượng dưa hấu của cả nước! Đất rộng, cây dưa hấu lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên những người có kinh nghiệm trồng dưa ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên năm nào cũng đến đây tìm thuê đất để trồng. Người dân ở Krông Pa, ai có kinh nghiệm, có đất, có vốn thì trồng dưa hấu, nếu không thì chỉ cần cho thuê đất, vụ dưa hấu 3 tháng ngồi không cũng có được 20-25 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Krông Pa cũng có diện tích mì lớn nhất tỉnh với hơn 22.000 ha trồng trong 2 vụ. Ông Hồ Văn Thảo cho biết: “Để cây mì phát triển bền vững, huyện hỗ trợ người dân các giống sạch bệnh khảm lá. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tìm kiếm được giống mì sạch bệnh HN3 và HN5. Qua trồng thử nghiệm thì giống mì này cho năng suất cao, đặc biệt không bị bệnh khảm lá”.
Xây dựng thương hiệu nông sản
Tính đến cuối năm 2021, huyện Krông Pa đã có 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chủ lực vẫn là các sản phẩm từ bò như: bò một nắng Tý Vân, bò một nắng Nguyệt Viên, bò một nắng Tuấn Hậu, bò một nắng Đức Mười… Ngoài ra còn có các sản phẩm như: thịt heo ba chỉ một nắng Tý Vân, thịt heo ba rọi một nắng Nguyệt Viên, hạt điều rang muối Hưng Lê… Chỉ riêng trong năm 2021, Krông Pa đã có 4 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm từ bò, một sản phẩm khác là hạt điều rang muối Hưng Lê. |
Nhắc đến Krông Pa, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm bò một nắng. Và nhắc đến thương hiệu “Bò một nắng”, người ta lại nghĩ đến Krông Pa. Bò nhiều, nắng nhiều nên người dân nơi đây đã nghĩ ra cách làm thịt bò một nắng. Ban đầu chỉ đơn giản là để dành ăn dần, sau đó đã trở thành đặc sản với quý ông để nhắm cùng bia, với quý bà để thỏa mãn nhu cầu… ăn vặt! Cơ sở sản xuất bò một nắng và các sản phẩm từ thịt bò Tuấn Hậu (thị trấn Phú Túc) là một trong những địa chỉ nổi tiếng làm nên thương hiệu “Bò một nắng Krông Pa”. Chị Đinh Thị Hậu-chủ cơ sở Tuấn Hậu-chia sẻ: Bò một nắng Krông Pa được làm từ phần thịt đùi-phần thịt ngon nhất của con bò. Sau khi tẩm ướp gia vị, đem phơi nắng một ngày-gọi là “một nắng” là được. Khi ăn, lấy miếng bò nướng trên bếp than hồng, đến khi vừa ngửi được mùi thơm là ăn được. Nướng kỹ quá miếng thịt bò sẽ dai, khó ăn, đặc biệt sẽ bị mất vị ngọt của thịt bò.
Krông Pa là địa phương có diện tích mì lớn nhất tỉnh với hơn 22.000 ha trồng trong 2 vụ. Ảnh: Trần Đăng Lâm |
Bên cạnh đó, với sự đầu tư đúng hướng của các doanh nghiệp, cây thuốc lá đang là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện Krông Pa. Ông Đinh Xuân Duyên cho biết: Năng suất thuốc lá sợi vàng của huyện bình quân đạt khoảng 2,8-3 tấn sấy khô/ha, chất lượng thì nằm ở tốp đầu cả nước. Với giá thu mua 50.000-55.000 đồng/kg, 1 ha thuốc lá thu về khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất 90 triệu đồng, nông dân còn lãi 60 triệu đồng. Đây được xem là loại cây trồng có đầu ra ổn định, đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Pa nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu hàng năm và đến năm 2025: Tiếp tục phát triển diện tích cây thuốc lá đạt khoảng 2.300-2.500 ha/năm. Áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ tưới tiết kiệm tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Xây dựng và đề xuất công nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Thuốc lá Krông Pa-Gia Lai”.
Ông Hồ Văn Thảo thông tin: Huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ, tiến tới xây dựng thương hiệu thuốc lá Krông Pa-Gia Lai. Đồng thời, làm việc với Nhà máy Thuốc lá Thanh Hóa đưa giống thuốc lá Xi-gà về trồng ở đồng đất Krông Pa.
TRẦN ĐĂNG LÂM