Bạn đọc

Kỳ 1: Ai đã từng chiến đấu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 6 năm qua, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh xã Chư Răng (huyện Ia Pa) viết đơn gửi khắp nơi tố cáo 3 cán bộ ở địa phương có hành vi giả mạo giấy tờ, khai man lý lịch để đứng vào hàng ngũ của Đảng, làm lãnh đạo Hội Cựu chiến binh của xã. Lãnh đạo địa phương được cho là đã nhiều lần tổ chức xác minh và kết luận, việc tố cáo là không đúng sự thật. Tuy nhiên, thông qua những chứng cứ mà chúng tôi thu thập được thì dường như ở đây còn nhiều điều khuất tất dẫn đến vụ việc dây dưa kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Phục viên vẫn lên lon (?)

Nguyên hội viên Hội Cựu chiến binh xã Chư Răng Trần Đức Đỉnh tố cáo hội viên Nguyễn Đức Tá đã tự ý sửa chữa hồ sơ của bản thân, lấy tên là Rah Mah Ta để làm chế độ thương-bệnh binh. Vấn đề này được nguyên Phó Trưởng Công an xã Chư Răng Nguyễn Xuân Chiến xác nhận và đồng ý làm nhân chứng. Ông Chiến cho biết, vào năm 1989, ông đã cùng với cán bộ an ninh Công an huyện Ayun Pa (lúc bấy giờ) điều tra và trực tiếp xử vụ ông Nguyễn Đức Tá giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ mất sức. Chưa hết, ông Đỗ Văn Thính-nguyên Trưởng thôn Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa, nơi ông Tá cư trú) còn cho biết, vào năm 2001, ông Tá đã từng 2 lần cầm hung khí đến nhà người hàng xóm để hành hung. Ông này còn bị tố cáo đã lấy quyết định ra quân của người khác sửa thành Nguyễn Đức Tá-sĩ quan quân đội làm chế độ 142 (chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương), nhưng đã bị Huyện đội Ia Pa bác bỏ. Chuyện này cũng được chính ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Đức Tuấn xác nhận. Ông Tuấn nói rằng, ông Tá có ý đồ làm hồ sơ để hưởng chế độ 142 nhưng hành vi đã không thực hiện thành công(!).

 

 Từ trái sang là các ông Yên, Đỉnh, Xuân. Ảnh: Ngọc Linh
Từ trái sang là các ông Yên, Đỉnh, Xuân. Ảnh: Ngọc Linh

Điều làm dư luận thắc mắc đó là, ông Tá tự khai đã từng phục viên với quân hàm Trung sĩ. Việc này thể hiện tại danh sách hội viên Cựu Chiến binh chi hội 3, xã Chư Răng (lập tháng 8-2001). Tuy nhiên, không hiểu sao, sau một thời gian công tác trong lĩnh vực dân chính, ông này lại biến thành quân nhân phục viên với quân hàm sĩ quan(?). Lý giải về điều này, ông Đỉnh cho hay, vào năm 2012, Hội Cựu chiến binh tiến hành kiểm tra hồ sơ của hội viên, ông Tá đã không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc đã từng phục vụ quân đội. Song, khi Hội ra kết luận về vấn đề này thì ông Tá lại chìa ra một bản sao Quyết định số 936/QĐ ngày 15-3-1984 của Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304), cấp bậc Thiếu úy, chức vụ đội trưởng(?). “Cũng nhờ số hồ sơ, giấy tờ được cho là vẫn còn mập mờ trên, cách đây 3 năm, không hiểu bằng cách nào mà ông Tá lại được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thế mới kỳ?”-người tố cáo thắc mắc.

Ra quân ở đâu?

Nguyên hội viên Cựu chiến binh xã Chư Răng khác là Lê Quang Yên thì tố cáo hội viên Lê Văn The có nhiều loại giấy ra quân không giống nhau. Ông này được đứng vào hàng ngũ của Đảng cũng với những loại giấy tờ không rõ nguồn gốc. Qua tìm hiểu được biết, trong danh sách của Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) có tên quân nhân Lê Văn The nhưng không thể hiện ngày tháng ra quân(?).

Tại biên bản kiểm tra do Hội Cựu chiến binh xã Chư Răng lập vào ngày 20-8-2012, ông The cung cấp được 4 loại giấy tờ là bản sao quyết định xuất ngũ; xác nhận của Huyện đội Bình Lục; xác nhận tự viết; xác nhận của đồng đội. Điều khó hiểu là quyết định cho ra quân đối với ông The do Trung đoàn 52 lập vào ngày 20-4-1981 vốn đã là bản sao nhưng lại không có số(?). Chưa hết, xác nhận của Huyện đội Bình Lục thể hiện, ông The có thời gian phục vụ quân ngũ là 3 năm 11 tháng, đăng ký dự bị hạng một tại địa phương này vào ngày 12-5-1981(?). Tuy nhiên, tại Quyết định xuất ngũ do Trung đoàn 52 tái cấp vào tháng 9-2001 lại thể hiện ông này có thời gian phục vụ quân đội là 4 năm 4 tháng(?). Và, tại giấy xác nhận số 121/XN-TĐ ngày 3-8-2011 cũng do Trung đoàn 52 lập thì ông The… phục vụ quân ngũ được 3 năm 10 tháng(?).

Với các giấy tờ lằng nhằng trên, điều càng khó hiểu là Hội Cựu chiến binh huyện Ia Pa vẫn công nhận ông The có thời gian hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội để làm thủ tục cho ông này hưởng chế độ 62 (chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào).

“Bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống để giữ gìn biên cương, những người còn sống thì cũng góp một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Do đó, chế độ 62 mà Đảng và Nhà nước dành cho họ là hết sức xứng đáng. Đằng này, một người chẳng biết có hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội hay không nhưng lại ngang nhiên được hưởng chế độ như bao cán bộ, chiến sĩ khác khiến chúng tôi rất đau lòng. Chúng tôi tố cáo việc này không vì lợi ích cá nhân mà nhằm lấy lại danh dự cho những người con đã không tiếc xương máu vì sự bình yên cho đất nước”-ông Yên bức xúc.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm