Bạn đọc

Kỳ 1: Có hay không chuyện làm sai lệch hồ sơ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai điện tử ngày 10-9-2015 có đăng bài “Vụ án giết người tại quán bar Wonder: Nhiều tình tiết chưa được làm rõ” phản ánh việc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên trả hồ sơ vụ án giết người tại quán bar Wonder (đường Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) để các cơ quan chức năng điều tra bổ sung, làm rõ nhiều tình tiết mâu thuẫn. Các bị cáo trong vụ án này là Lê Anh Quyết (SN 1989, trú TP. Uông Bí, Quảng Ninh) và Phạm Thế Phương (SN 1985, quê gốc Hải Phòng, trú huyện Gia Lộc, Hải Dương) bị truy tố về tội “Giết người”; bị cáo Vũ Việt Dũng (SN 1979, trú tại tỉnh Hải Dương) phạm tội “Che giấu tội phạm”.

Sau khi báo đăng, cha mẹ của bị hại Nguyễn Đăng Tuấn (SN 1988, trú phường Thống Nhất, TP. Pleiku) là ông Nguyễn Đăng Kỷ, bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã làm đơn gửi Báo Gia Lai tố cáo điều tra viên Trần Thắng (hiện đang công tác tại Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai) đã có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
 

Dũng, Phương, Quyết tại phiên tòa (từ trái sang). Ảnh: Ngọc Linh
Dũng, Phương, Quyết tại phiên tòa (từ trái sang). Ảnh: Ngọc Linh

Theo cha mẹ bị hại, sau 4 tháng kể từ khi con trai của ông bà Kỷ-Oanh bị sát hại, chỉ duy nhất một lần họ được Công an tỉnh Gia Lai thông báo bằng điện thoại với nội dung: 8 giờ ngày 14-2-2015 đến trụ sở Công an tỉnh làm việc. Tại đây, vợ chồng bà Oanh được điều tra viên Trần Thắng cho gặp ông Lê Đình Tuyến (bố của bị cáo Quyết) và bà Phạm Kim Anh (vợ bị cáo Dũng). Sau đó, ông Thắng lập biên bản ghi lời khai của bà Oanh. Theo bà Oanh, tại Bút lục số 167, 168, điều tra viên Trần Thắng đã tự ý thêm vào dòng: “Hỏi: bà Oanh cho biết gia đình các bị can đã bồi thường gì cho gia đình bà chưa? Đáp: gia đình các bị can Dũng, Quyết, Phương đã bồi thường cho gia đình tôi tổng số tiền là 30 triệu đồng”.

Người mẹ mất con đau xót kể: “Ông Thắng đã lợi dụng biên bản lấy lời khai do ông này viết (đã có chữ ký của tôi ở phía cuối trang) có sự sơ hở khi không gạch chéo phần trống của trang giấy nên đã ngang nhiên sáng tác thêm nội dung vào. Bằng chứng là, cho đến hết ngày 14-2-2015, chưa có bất cứ người thân nào của các bị can Dũng, Quyết, Phương đến nhà tôi. Hôm sau (ngày 15-2-2015), ông Lê Đình Tuyến và bà Phạm Kim Anh cùng với cán bộ Công an tỉnh, Công an phường Thống Nhất và đại diện tổ dân phố đến nhà tôi gọi là thắp hương cho người đã khuất. Lúc này, ông bà Tuyến-Anh đặt 30 triệu đồng lên bàn thờ và yêu cầu gia đình tôi lập biên bản xác nhận việc họ đã khắc phục hậu quả bằng số tiền này. Nói thật, từ khi con trai chết, chẳng ai thèm đến an ủi một câu, nay họ lại có hành động như vậy khiến tôi quá đỗi bức xúc nên đã xua tay mời tất cả ra khỏi nhà. Sau cùng, ông bà Tuyến-Anh vẫn để lại số tiền này trên bàn thờ và ra khỏi nhà tôi”. Những lời bà Oanh nói đã được các ông Nguyễn Đình Thân-tổ phó phụ trách an ninh tổ 13 và ông Phan Chí Thanh-Công an khu vực phường Thống Nhất xác nhận là… hoàn toàn chính xác (!).

Theo quan sát, Bút lục 167, 168 có tổng cộng 4 trang; tại trang 3, biên bản chỉ được viết chưa được nửa trang đầu với 12 dòng, bắt đầu bằng chữ Tuấn, kết thúc bằng cụm từ (Ba mươi triệu đồng); trang 4 để trống, cuối trang là phần chữ ký của bà Oanh và điều tra viên Trần Thắng. Phần trống của 2 trang giấy quả thật không có phần gạch chéo thể hiện nội dung biên bản chỉ lập đến dòng nào(?). Vấn đề này, bà Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư Bình Định) nêu quan điểm, nếu lấy lời khai mà có nhiều trang nội dung thì người được lấy lời khai phải được hướng dẫn ký vào từng trang, ký chốt vào phần kết thúc của đoạn văn và chuyện ký vào cuối biên bản là đương nhiên. Bút lục 168 không gạch chéo phần trống nội dung, không có phần ký chốt ngay dưới sát đoạn văn của người khai đã thể hiện nó không đảm bảo trong việc lấy lời khai phục vụ hoạt động tố tụng, vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Còn theo quan điểm của luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), việc người nhà bị can, bị cáo mang bì thư thắp hương cho nạn nhân là phong tục tập quán của người Việt Nam. Việc này là tùy tâm, số tiền bao nhiêu đâu có quy định nào bắt buộc. Để số tiền trên được coi là chứng cứ khắc phục hậu quả hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của gia đình người bị hại. Nghĩa là, nếu gia đình bị hại xác nhận đó là tiền khắc phục hậu quả thì đó được coi là chứng cứ thể hiện bị can, bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, ngược lại thì không được. Về chứng cứ khắc phục hậu quả, phải có sự xác nhận của gia đình bị hại, được lập thành biên bản; hoặc gia đình bị can, bị cáo nộp số tiền trên thông qua Cơ quan Điều tra.   

Được biết, thời điểm xảy ra án mạng, Tuấn đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Bản tính anh này hiền lành, lễ phép. Hễ nghỉ học là anh lại về phụ giúp bố mẹ buôn bán; tại địa phương chưa hề có mâu thuẫn với ai. “Tuấn là niềm hy vọng lớn lao của gia đình. Vợ chồng tôi như chết đi khi đối diện với việc cháu bị nhiều tên côn đồ sát hại. Từ khi con mất, chúng tôi không làm sao nguôi ngoai được nỗi nhớ thương. Hễ nhìn thấy những vật dụng liên quan đến con trai là vợ chồng tôi lại đau lòng. Thế mà, họ nỡ lòng nào!”- mẹ bị hại bật khóc khi hồi tưởng về đứa con trai yêu quý.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm