Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Kỳ 2: Bảo vệ chính quyền, chống giặc Pháp xâm lược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách mạng Tháng Tám vừa giành được thắng lợi thì quân và dân ta lại đứng trước những khó khăn chồng chất, đặc biệt là chống giặc ngoại xâm. Lịch sử nước ta còn ghi dấu sự kiện ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được sự giúp sức của quân đội Nhật và Anh đã trắng trợn nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên quyết chiến đấu với quân xâm lược, mở đầu thời kỳ Nam bộ kháng chiến. Đặc biệt ngay từ những ngày đầu quân và dân Sài Gòn đã chiến đấu anh dũng, phá nhiều kho tàng, nhà máy của địch, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nổi bật là các trận đánh ở cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Lái Thiêu, cầu Bến Phân, Khám lớn... Từ đây tiếng súng kháng chiến của quân và dân Nam bộ đã vang dội khắp đất nước, nhiều đơn vị lực lượng vũ trang từ phía Bắc và miền Trung đã lên đường chi viện cho Nam bộ.
 

Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam bộ năm 1945. Ảnh: baotanglichsu.vn.
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam bộ năm 1945. Ảnh: baotanglichsu.vn.

Cùng thời gian này, quân đội Pháp đánh chiếm các tỉnh Trung bộ và Tây Nguyên. Ở những nơi địch đến, quân và dân ta đã dũng cảm chiến đấu tiêu hao lực lượng địch, chặn từng bước tiến của chúng. Âm mưu đánh chiếm Nam Trung bộ cho đến Đà Nẵng của địch bị thất bại. Trong khi đó, ngoài Bắc và Bắc Trung bộ từ cuối tháng 8, đầu tháng 10-1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các tỉnh, thành phố. Được sự che chở của Tưởng, bọn Việt Nam Quốc dân Đảng tăng cường hoạt động chống phá. Tuyên truyền xuyên tạc, bắt cóc tống tiền, làm rối loạn đời sống xã hội người dân. Bộ đội ta đã giữ nghiêm kỷ luật, cố gắng tránh xung đột với quân Tưởng, đồng thời hòa vào nhân dân, bảo vệ và làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của quần chúng, vạch mặt, cô lập bọn phản động, khôn khéo và cương quyết đập tan các hoạt động chống phá của giặc.
 

Cuối năm 1949, đầu năm 1950, Đảng ta đề ra nhiệm vụ tích cực chuẩn bị lực lượng để chuyển sang tổng phản công. Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực.

Ngày 28-8-1949 Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10-3-1950, Đại đoàn 304 được thành lập; lực lượng pháo binh, công binh, trinh sát được bổ sung biên chế. Bộ Quốc phòng được kiện toàn với 3 cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân” trong các năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, lực lượng vũ trang ta không ngừng lớn mạnh và ngày càng phát triển.

Ngày 25-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 71 đổi tên Vệ quốc quân thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, biên chế thống nhất theo từng trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Cùng với 25 chi đội ở Nam bộ, ở Bắc bộ và Trung bộ có 30 trung đoàn, tổng quân số cho đến lúc bấy giờ đã lên đến 8 vạn người. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu. Và cũng từ đây hệ thống tổ chức đảng trong quân đội được thành lập từ Trung ương (Quân ủy) đến chi bộ. Đến cuối năm 1946, toàn quân đã có gần 8.000 đảng viên.

Quân đội ta vừa xây dựng vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang trong giai đoạn này đã thực hiện tốt nhiệm vụ chống thù trong, giặc ngoài, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân, xứng đáng là công cụ bạo lực của Đảng và Nhà nước trong những năm đầu của chính quyền cách mạng.

Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, trưởng thành, tham gia toàn quốc kháng chiến, đánh bại chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp trong thời kỳ  1946-1947. Đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tại Hà Nội, với tinh thần “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ Vệ quốc quân và Công an xung phong, tự vệ đã chiến đấu rất dũng cảm, nhiều trận đánh diễn ra rất quyết liệt ở khu vực Bắc Bộ Phủ, nhà ga, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân. Chỉ trong hai tháng anh dũng chiến đấu, quân dân Hà Nội đánh gần 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, phá hủy 100 xe, bắn rơi và phá hủy 5 máy bay.

Cùng với Hà Nội, khắp nơi trong cả nước đâu đâu quân và dân ta cũng hăng hái đứng lên tiêu diệt kẻ thù, gây cho chúng thiệt hại lớn cả về người và quân trang, quân dụng. Tuy vậy, thực dân Pháp ngày càng mở nhiều cuộc tấn công lớn, đánh ồ ạt ở Trung Trung bộ, Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ... Vào đầu năm 1947, chúng viện thêm quân mở rộng vùng tạm chiếm đến 30 tỉnh Bắc bộ và Trung bộ. Tại những nơi này, quân và dân ta đã kiên quyết chặn đánh, tiêu hao sinh lực của địch, đồng thời xây dựng, phát triển lực lượng của ta.

Phía Nam bộ, quân dân ta cũng đã tiếp tục mở các cuộc tấn công vào quân địch, vừa quấy rối, vừa phong tỏa, phá hoại, đánh vào phía sau lưng địch, ngăn chặn âm mưu địch lợi dụng tôn giáo, chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của ta. Chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp bước đầu bị thất bại.

Vào Thu-Đông năm 1947, Pháp muốn kết thúc nhanh cuộc chiến tranh xâm lược của chúng bằng chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh”, chúng đã tăng thêm 12.000 quân tinh nhuệ, có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở chiến dịch bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của kháng chiến và quân chủ lực của ta. Nhưng chúng đã nhầm, chỉ sau hơn hai tháng chiến đấu, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm, cháy 50 tàu, ca nô, phá hủy 255 xe cơ giới. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng, phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ các cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn mới.

(Còn nữa)
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm