Phóng sự - Ký sự

Kỳ 2: Trở lại Vat Phu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 2008, sau hai mươi năm trở lại xứ sở Triệu Voi, tôi cùng các đồng nghiệp vinh hạnh được đến viếng thăm đền Vat Phu (Wat Phou). Ngôi đền nằm về phía Nam thành phố Pakse, trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa của Champasak, nơi được coi là đứng thứ nhì về mọi mặt so với thủ đô Vientiane (Viêng Chăn), trung tâm của vùng, nằm về phía Nam Lào. Trung tuần tháng chín năm 2015, tôi lại một lần nữa đến Vat Phu. Con đường từ Pakse đến Vat Phu đã được làm mới, cây cầu bắc qua sông Mê Kông đã xây dựng, cho nên chỉ chưa đầy 30 phút xe chạy mà chúng tôi đã vượt qua trên 45 km để đến nơi mình cần-Vat Phu.

.
Du khách đến viếng thăm đền Vat Phu. Ảnh: Bích Hà

Buổi chiều muộn, mặt trời đã nghiêng về phía dòng Mê Kông, nền trời xam xám như chực đổ mưa, mặt sông phủ một màu chì nằng nặng. Thấy chúng tôi có phần lo lắng, cô phiên dịch Khamphonvanh bảo các anh chị yên tâm, trời ở đây mọi ngày vẫn thế, chẳng thể mưa đâu, và thế này là điều may mắn cho chuyến đi đấy chứ... Chúng tôi xuống xe, Vat Phu còn rất xa ở phía trước, Khamphonvanh mua vé xe điện trung chuyển mọi người được chừng cây số thì dừng, và bắt đầu hành trình bằng chính đôi chân của chúng tôi; quý bà, quý cô có vẻ ái ngại khi nhìn lên phía núi với những bậc đá hun hút xuyên qua hai hàng cây sứ cổ thụ, “qua khỏi nơi này, mọi người còn phải đi bằng bàn chân nghiêng trên 77 bậc đá nữa đấy, cố lên thôi”-là lời động viên của Khamphonvanh.
 
Vat Phu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới hồi năm 2001, người Lào vô cùng tự hào về một Vat Phu có trên ngàn năm tuổi, là đền thờ xưa nhất của xứ sở Triệu Voi, là một trong những nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào. Khamphonvanh rất hào hứng giải thích gần như tất cả các câu hỏi về những gì mà tôi muốn biết về ngôi đền cổ xưa này, và luôn có câu kết... rằng, đến xứ Lane Xang mà chưa đến Vat Phu thì coi như thiếu đi phần vô cùng quan trọng. So với bảy năm trước khi tôi đến, giờ Vat Phu được trùng tu tôn tạo, chăm chút đầu tư các hạng mục nhằm chống xuống cấp của di tích; các dịch vụ phục vụ khách tham quan cũng đã hình thành; đặc biệt là sự quy hoạch bài bản, trồng cây xanh và thảm cỏ, tạo khuôn viên xanh gần gũi với thiên nhiên. Theo Khamphonvanh thì lượng du khách đến đây ngày càng đông và nhiều quốc tịch khác nhau.

Khamphonvanh kể rằng: Truyền thuyết cũng như lịch sử Lào xác định Vat Phu là đền thờ Thần Badhecvara, được xây dựng từ thế kỷ thứ V và thứ VII. Nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp. Các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước nhận định, thời kỳ đó đã từng tồn tại một con đường nối Vat Phu với Angkor (Campuchia-N.V), cách đây khoảng 150 km về hướng Nam. Ban đầu là ngôi đền núi (Vat Phu), về sau, khi Phật giáo trở thành quốc đạo của xứ sở Triệu Voi thì Vat Phu được trùng tu, biến đổi thành một ngôi chùa thờ Phật. Từ thế kỷ XI, ngọn núi với dòng suối thiêng phía sau ngôi đền là trung tâm thờ cúng và thiền định của các tu sĩ.

 

Ảnh: Bích Hà

Theo truyền thuyết, xưa kia mỗi năm một lần, vào ban đêm Quốc vương Chân Lạp vượt qua những sườn núi hiểm trở, đột nhập vào trong đền, hạ sát một nhân mạng hiến tế Thần để cầu mong cho đất nước được bình yên và thịnh vượng. Sau này, Phìa Kumantha, người tạo lập Vat Phu tiếp tục duy trì tập tục bằng việc đích thân mình hạ sát một đôi nam nữ trinh trắng để hiến tế Thần. Về sau nữa, tục hiến tế nhân mạng được thay thế bằng hiến tế trâu. Lễ hiến tế ở Vat Phu cũng đồng thời là lễ hội cầu mưa của nhân dân địa phương.

Ngày nay lễ Vat Phu là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 Âm lịch. Người dân khắp đất nước Lào và các tỉnh láng giềng vùng Đông-Bắc Thái Lan nô nức hành hương về đây. Hồ Noong Vieng (hồ nước của kinh thành) ở trước ngôi đền cổ là trung tâm của lễ hội. Tại đây có các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa. Các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng vật linh, đồng thời được tổ chức.

(Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia-
bổ sung 4-2015).

Khamphonvanh còn bảo, có nhiều câu chuyện linh thiêng mà giờ người Lào vẫn truyền nhau về ngôi đền này, nhưng tiếc thay thời gian không cho phép cô kể nhiều. Nhưng có một chuyện không thể không nói, cô chỉ về hướng núi, “lát nữa thôi chúng ta sẽ chứng kiến những cây đại (sứ) cổ thụ được người xưa trồng trên đá”. Cho dù chân đã chùn, mồ hôi đẫm lưng áo, mà nghe điều lạ, mọi người như được tiếp thêm năng lượng.

Các cô, các bà Nguyễn Thị Sen, Ngô Thị Nhị, Lê Thị Hồng, Nguyễn Thị Lựu, Ayun H’but... tỏ ra rất hăng hái sải bước trên những tảng đá phẳng nhưng thời gian và những bàn chân người hàng ngàn năm đã làm nhiều chỗ bị bào mòn, tạo nên những hình thù kỳ thú. Tác giả và Rah Lan Tuấn là hai người đàn ông già nhất nhóm cùng chung niềm vui và dường như chẳng còn thấy chồn chân mỏi gối; trước mặt đã hiện ra những hàng cây sứ xù xì xưa cũ mà lá xanh hoa trắng tỏa hương thoang thoảng cùng với khói nhang đâu đấy quyện vào không gian tạo nên cảnh u tịch và linh thiêng; đối diện chúng tôi thi thoảng vài tốp người cả Âu, lẫn Á lặng lẽ xuôi bước...

Nhớ lời kể của Khamphonvanh, mọi người chăm chú quan sát đến từng hoa sứ rụng trên lối đi, coi có hoa nào có số cánh chẵn-4, 6 chẳng hạn. Nhặt được loại hoa này là nhận về nhiều hạnh phúc, an lành, may mắn. Xứ sở Triệu Voi chọn sứ là quốc hoa, song chỉ có loài hoa trắng, bên trong từng cánh phớt vàng về phía nhụy và cánh lẻ (5 cánh), nhưng ở Vat Phu thì thi thoảng những cây sứ cổ thụ vẫn cho hoa có số cánh chẵn, hiếm nên quý và thiêng.

Rồi 77 bậc đá cũng đã vượt qua, mọi người theo lời chỉ dẫn của Khamphonvanh làm lễ ở đền Thượng. Không thể bỏ qua nơi có dòng nước quanh năm trong xanh róc rách chảy từ những khe đá triệu triệu năm tồn tại. Nhớ lần năm 2008, là người duy nhất trong đoàn lên đến đây, theo lời người hướng dẫn viên khi đó, tôi vục từng bát nước trong lành mát rượi, vừa trong uống, ngoài không chỉ xoa mà còn giội cả lên đầu, thêm thắt chút cho thành huyền bí, tôi bảo kể từ đấy đầu không bao giờ đau, người chẳng còn bệnh vặt. Thế là, giờ cả hội lại thẳng về hướng núi mà lầm lũi bước, đem theo chai lọ để xin nước... thần.
 

Ảnh: Bích Hà

Trên đường từ Vat Phu về lại Pakse, bầu trời vẫn đùng đục, nhớ hôm cách đây một năm, trong chuyến đi với mọi người cũng thời gian này, trời mưa như đổ nước, đường nhiều chỗ thành suối ào ào chảy, cuồn cuộn trôi tưởng sắp thành lũ ống bên Tây Bắc, Việt Bắc của xứ mình. Mấy bạn ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dù khá thông thạo đường đi lối lại ở đây mà trong mưa hôm ấy các vị đã lạc đường vì mưa và nước khi đi tìm đến một nhà hàng đã đặt tiệc trước bên dòng Mê Kông. Đang suy diễn mông lung, trong ô tô, Khamphongvanh vui vẻ bảo, hẹn lần sau trở lại cô sẽ kể tiếp những câu chuyện còn dở dang ngoài tài liệu của hướng dẫn viên du lịch, kiêm phiên dịch (Anh, Thái, Việt) mà cô sở hữu và gần như đã... thuộc nằm lòng về Vat Phu. Tôi giật mình tỉnh ruội... Mọi người thì không rõ, nhưng tôi thì đã có một lời hẹn sẽ có lần trở lại xứ sở Vạn Tượng này!

Thành phố Pakse đã lên đèn, dòng Mê Kông mùa mưa mang màu sậm xám phù sa nhưng mênh mang, hiền hòa đến lạ, những con thuyền đã cập bến sau ngày vất vả trên sông tìm kế sinh nhai của bà con hành nghề đánh bắt hải sản và chuyên chở hàng hóa cứ bềnh bồng theo nhịp của những con sóng nhỏ xô bờ. Những nhà hàng, quán ăn, khách sạn đã tấp nập người, xe. Riêng với Pakse, cách đây chưa đầy năm tôi đã lưu lại mà giờ, trong không gian giao thời ngày và đêm này tôi vẫn thấy lòng sao cứ nao nao khi nghĩ về một thủ đô thuở trước-Champasak...

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm