Nằm sâu trong con ngách 82/189, ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội khác xa với vẻ bên ngoài yên tĩnh, bên trong là không khí sôi nổi học bài của gần 60 học sinh khuyết tật trí tuệ thuộc Trung tâm Hy Vọng do bà Đỗ Thị Nga làm giám đốc.
Duyên và nghiệp
Trước mắt tôi là nữ giám đốc tóc bạc trắng như cước vừa kiêm bác sĩ - cô giáo, cha mẹ của học sinh. Ở cái tuổi đáng lẽ ra được nghỉ ngơi, quây quần cùng con cháu thì bà Nga lại chọn cái nghiệp điều trị, chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ. Đến nay, tính cả số trẻ em đã trưởng thành, Trung tâm Hy Vọng đã chăm sóc cho hơn 300 trẻ khuyết tật trí tuệ suốt 21 năm qua.
Thời thanh niên, bà Nga tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội. Ra trường, bà Nga làm bác sĩ nhi khoa 10 năm tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội). Sau đó, bà chuyển công tác về Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và Chăm sóc trẻ em rồi làm Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Trong thời gian công tác, bà Nga nhận thấy có rất nhiều trẻ chậm phát triển bị lạc lõng giữa đám bạn, rất đáng thương.
Sau khi nghỉ hưu năm 2002, bà thành lập Trung tâm Hy Vọng trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội. Ủng hộ việc làm của mẹ, con gái bà Nga đã cho bà mượn mảnh đất 60 m2 ngay cạnh nhà làm trụ sở trung tâm và trở thành địa chỉ đỏ cho gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ xa gần tìm đến.
Bà Đỗ Thúy Nga (ở giữa) và các tình nguyện viên tại trung tâm |
Chia sẻ về lý do quyết tâm thành lập trung tâm, bà Nga cho biết chăm sóc trẻ bình thường đã khó huống hồ chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ nhưng bà Nga tự nhủ nếu không quyết tâm mở trung tâm thì các em cứ chìm mãi trong hố sâu tuyệt vọng. Ngay cả đến cha mẹ học sinh đôi khi cũng không thể kiềm chế được cảm xúc khi con quậy phá, tự đập đầu vào tường hay dùng dao rạch đồ đạc trong nhà.
Chính những cơn bực tức của cha mẹ lại càng làm cho trẻ thu mình lại, ít giao tiếp hơn và khó lòng cứu vãn nếu để như vậy trong thời gian dài. Có gia đình còn dành cho con một phòng trống để con không đập phá. "Hồi đó, nhận thức của cộng đồng về trẻ tự kỷ chưa cao và chưa quan tâm nhiều đến giáo dục đặc biệt nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để vận động phụ huynh chấp nhận sự thật và đưa con đến trung tâm học" - bà Nga kể.
Phải có lòng nhân mới dạy được các em
Điều trị cho trẻ khuyết tật trí tuệ rất vất vả, phải điều trị lâu dài, tốn kém và rất ít gia đình bỏ cuộc giữa chừng. "Đa phần các em đến trung tâm đều thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên các em được miễn giảm học phí ở trung tâm chiếm đến 60%. Có những em gia đình cực kỳ khó khăn, chúng tôi vận động được nhà hảo tâm tài trợ hoàn toàn học phí. Ngoài ra, chúng tôi không chỉ nhận trẻ ở Hà Nội mà nhận ở hơn 20 tỉnh, thành như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Trị..." - bà Nga cho biết.
Với kinh nghiệm của một bác sĩ sản - nhi, bà Nga đã phân khuyết tật trí tuệ ra thành 7 chứng bệnh gồm: di chứng viêm màng não dẫn đến liệt nửa người, di chứng bại liệt, trẻ bị hội chứng Down, trẻ bị hẹp sọ não, trẻ bị não úng thủy thể nhẹ, trẻ bị động kinh, trẻ không thể phát triển trí tuệ để tiện chăm sóc và có cách điều trị tốt nhất.
Khác với những mái trường bình thường, phương châm xuyên suốt của Trung tâm Hy Vọng là "Kiên trì - Thấu hiểu và Lắng nghe". Vì vậy, bà Nga rất khắt khe trong tuyển dụng giáo viên. Ngoài bằng cấp sư phạm, giáo viên phải có lòng yêu trẻ, xót trẻ như xót chính con của mình, chỉ cần dễ bực tức thì không thể nào dạy dỗ được các em nhỏ. Chính vì tình thương yêu đó, dù mức thu nhập của các cô giáo tại trung tâm không cao nhưng họ đều đã gắn bó nhiều năm với bà Nga. Hiện trung tâm có 18 giáo viên và được chia làm 4 nhóm lớp theo dạng khuyết tật và độ tuổi.
Bà Đỗ Thúy Nga vừa làm bác sĩ vừa làm cô giáo cho các học sinh suốt 21 năm qua |
Chị Nguyễn Thị Hoài, giáo viên tại trung tâm, cho biết: "Nhìn các em rất thương. Có em thể trạng rất cao to, nhìn khôi ngô nhưng nhận thức chỉ như trẻ 2 tuổi. Có em 5 tuổi nhưng nhận thức chỉ như trẻ mấy tháng tuổi, phải giàu tình thương mới gắn bó với công việc này được".
Không chỉ điều trị, chăm sóc và dạy dỗ các em nhỏ bằng kiến thức y khoa, sư phạm sau bao năm tích lũy, bà Nga còn mạnh dạn đưa yoga vào điều trị để chữa lành tâm hồn cho các em. "Tôi từng tham gia 3 khóa yoga thấy rất hay và tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tôi liền tìm đọc cuốn sách "Yoga cho trẻ em" và áp dụng dạy tại trung tâm cho các em. Sau một thời gian, thấy các em ít dỗi hờn hơn, tinh thần thư thái, về nhà ít quậy phá. Các em đến với chúng tôi nếu được can thiệp sớm có đến 70% - 80% hòa nhập tốt với cộng đồng" - bà Nga cho biết.
Niềm vui từ tiếng gọi "mẹ ơi"
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, một phụ huynh học sinh) xúc động nói: "Khi sinh con tôi còn trẻ tuổi, không có kinh nghiệm chăm sóc nên con bị ảnh hưởng, bị sốc dẫn đến con bị động kinh, bại não. Khi biết con bị bệnh, gia đình rất buồn tủi. Từ khi cho con đến Trung tâm Hy Vọng, cả nhà bắt đầu có hy vọng về sự hòa nhập của con. Mỗi lúc đến đón con nhìn thấy con chơi đùa, gọi "mẹ ơi!", tôi vui mừng lắm. Tôi cảm ơn những cô giáo đã yêu thương trẻ khuyết tật, để người làm cha mẹ như tôi có động lực để sống, chăm sóc con".
Tiếng lành đồn xa, trung tâm của bà Nga nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm và tình nguyện viên, trong đó có một số tình nguyện viên nước ngoài. Chị Anna Jensen, tình nguyện viên đến từ Đan Mạch, chia sẻ: "Đến với Trung tâm Hy Vọng tôi có cảm nhận về Việt Nam rõ hơn, đó là sự yêu thương, đùm bọc như câu ca dao: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
Hơn 20 năm qua, niềm vui của bà Nga và đội ngũ cộng sự không gì khác là thấy những đứa trẻ cất tiếng gọi "mẹ ơi"! Câu gọi đó với trẻ bình thường chỉ mất chưa đầy 1 năm nhưng với trẻ khuyết tật trí tuệ phải mất 3 - 5 năm.
Ngoài ra, các em còn biết tự vệ sinh cá nhân, ăn uống, biết nghe lời người lớn, nhiều em trưởng thành đã có công việc tạo ra thu nhập như làm nhân viên quán ăn, bảo vệ, tạp vụ khách sạn hay làm hoa giấy… Mỗi lần nhắc đến các em Hồ Anh Dũng, Khánh An, Phúc Bảo, Thái Sơn..., bà Nga không khỏi rơi nước mắt trước sự khôn lớn của các em.
Hơn 300 trẻ khuyết tật trí tuệ đã được thắp lên hy vọng cuộc đời tại trung tâm, tuy nhiên bà Nga không nhận công về mình mà cho rằng chủ yếu đến từ sự quan tâm của gia đình và nghị lực của từng trẻ.
"Trẻ được bình thường 50% nhờ bố mẹ quan tâm cùng dạy dỗ, 50% nhờ cô giáo hướng dẫn kỹ năng sống. Những trẻ đã ra trường rồi chúng tôi vẫn giữ liên hệ để trao đổi và tư vấn, động viên các em phấn đấu. Tôi muốn gieo niềm hy vọng ấy không chỉ trong lòng tôi mà trong lòng các bậc cha mẹ trẻ có con mắc bệnh. Hãy tin tưởng con mình sẽ khôn lớn, trưởng thành và trở thành một người có ích cho xã hội".
Tâm nguyện cuối đời
Đã bước sang độ tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Nga vẫn rất minh mẫn, dẻo dai, hằng ngày bà vẫn đọc sách, nghiên cứu y khoa vì bà biết gìn giữ sức khỏe không chỉ cho riêng mình mà còn để duy trì hoạt động của trung tâm. Bà vẫn luôn trăn trở làm sao mở rộng diện tích trung tâm, tạo thêm khu vui chơi cho các em, nhận thêm sự hỗ trợ của xã hội và đào tạo lớp giáo viên kế cận để có thể gánh vác trọng trách lâu dài phòng khi bà đi xa...
Bà Đỗ Thúy Nga (thứ 5 từ phải sang) nhận danh hiệu Phụ nữ thủ đô tiêu biểu 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội trao tặng