Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Kỳ 4: Bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng ta biết, sau khi chiến thắng thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ năm 1954, cách mạng Việt Nam mở ra một giai đoạn mới. Miền Bắc vừa lo khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng, cải tạo, phát triển kinh tế-xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam về sau. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của Mỹ-ngụy.

Là công cụ của chính quyền nhân dân, quân đội bên cạnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu còn đảm nhận chức năng, nhiệm vụ bảo vệ thành quả xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thể hiện rõ bản chất của mình là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Với sự góp sức to lớn của quân đội, tình hình kinh tế-xã hội miền Bắc trong giai đoạn này ngày càng ổn định và phát triển.
 

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu
Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu

Ở miền Nam, sau khi Pháp thua trận, Mỹ ráo riết thực hiện âm mưu thống trị bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, xây dựng miền Nam thành căn cứ quân sự, nhằm chia cắt vĩnh viễn nước ta. Giữa năm 1954, Mỹ dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, trong những năm 1954-1960, Mỹ-Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho nhân dân và cách mạng miền Nam.

Trước tình hình nói trên, tháng 1-1959, Nghị quyết 15 của Đảng (khóa II) ra đời. Nghị quyết này đã nêu cụ thể hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực. Đồng thời với phong trào “đồng khởi”, khởi nghĩa có vũ trang diệt ác phá kìm, giải phóng nhiều vùng nông thôn và miền núi của quân và dân miền Nam thì từ miền Bắc, lực lượng vũ trang, bộ đội chủ lực được tập trung củng cố, huấn luyện vào Nam chiến đấu. Đường 559, 759 được hình thành cả trên bộ và trên biển, hàng vạn vạn thanh niên lên đường nhập ngũ-“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), những binh đoàn chủ lực, những đơn vị thanh niên xung phong ngày đêm làm đường vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh, lương thảo cho chiến trường.

Nghị quyết 15 mở ra cho cách mạng miền Nam con đường bạo lực cách mạng để tự giải phóng mình, thống nhất đất nước khi mà kẻ thù đã không chịu thi hành Hiệp định hòa bình mà cố tình chia cắt lâu dài đất nước ta. Ngày 15-2-1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện trực tiếp nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam. Ở miền Bắc, tiếp tục vừa đưa nhân tài vật lực vào chi viện cho miền Nam, vừa xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng quân đội mạnh. Nhiều quân, binh chủng được thành lập trong giai đoạn này, đủ sức mấy lần đánh tan giặc trời, giặc biển tấn công ra Bắc, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

 

“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (Trích Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng,12-1976).

Cách mạng miền Nam được sự chi viện của miền Bắc ngày càng lớn mạnh. Mỹ không hy vọng gì với cái gọi là chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nữa. Chúng bắt đầu thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), ngoài hàng triệu lính ngụy và cố vấn Mỹ ra, chúng đã ồ ạt đưa quân đội Mỹ vào miền Nam. Số quân Mỹ ở miền Nam tăng nhanh, từ 23.000/tháng 1-1965, lên 60.000/tháng 6-1965, tăng vọt lên 184.000/tháng 12-1965, khủng khiếp hơn về số quân Mỹ tham chiến ở miền Nam đến cuối năm 1966 là 370.000; cùng với thời điểm đó là trên 20.000 quân chư hầu của Mỹ cũng đã tung vào chiến trường miền Nam. Đi đôi với tăng quân, Mỹ trang bị ngập tràn các loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại vào bậc nhất lúc bấy giờ như máy bay (cả B.52), xe tăng, tàu thủy, các loại súng, pháo hạng nặng...

Để đối phó lại với tình hình quân sự mạnh của Mỹ-ngụy, bấy giờ khắp miền Nam vừa thành lập mới nhiều đơn vị quân chủ lực, vừa huy động tổng lực các lực lượng vũ trang vừa xây dựng, huấn luyện vừa chiến đấu và thực hiện chủ trương của Trung ương quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, “tìm Mỹ mà diệt”, “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Và, những trận thắng Mỹ vang dội như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me, Bầu Bàng, Dầu Tiếng... làm nức lòng nhân dân cả nước.

Sau cú bồi bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân-1968, buộc Mỹ-ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris và Tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt vô điều kiện việc ném bom miền Bắc, có nghĩa là chiến lược “Chiến tranh cục bộ” coi như đã xóa sổ. Và một loại chiến lược khác ra đời-chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà Nich-xơn là người khởi xướng, tính toán sau khi rút dần đến rút số đông quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam.

Mỹ nói thế nhưng không làm thế, trong những năm đầu thập kỷ 70 (thế kỷ XX), khắp chiến trường miền Nam chiến sự ngày một ác liệt, quân giải phóng miền Nam gần như làm chủ chiến trường. Nguy cơ chế độ Sài Gòn sụp đổ đến rất gần, Mỹ không đành bỏ lại “đồng minh”, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” lại có nguy cơ rơi xuống vực thẳm; Mỹ lại tăng số máy bay chiến lược, chiến thuật, số tàu chiến gấp nhiều lần; sử dụng không quân và hải quân Mỹ làm lực lượng chiến đấu trực tiếp phản kích lại chúng ta ở chiến trường miền Nam. Và đêm 18-12-1972, Mỹ mở cuộc tập kích bằng đường không quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào miền Bắc, chúng tuyên bố sẽ đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Và trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội này, quân và dân miền Bắc đã bắn hạ 81 máy bay, trong đó có 34 B.52 và 5 F111. Mỹ lại tuyên bố rằng chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận lại ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.

Hàng loạt chiến dịch từ Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế... quân giải phóng đã chiến thắng giòn giã, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Thời cơ có một không hai, chiến dịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị quyết định từ ngày 14-4-1975. “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” là khẩu hiệu tiến công của các lực lượng cách mạng vào tất cả ở đâu có địch. Ngày 26-4-1975, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công đồng loạt vào các mục tiêu của địch trên các chiến trường. Và, sự kiện lịch sử lừng lẫy năm châu mà không ai là người Việt có quyền được quên, ấy là: Vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập; quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện; cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.

(Còn nữa)
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm