Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Kỳ cuối: Lực lượng vũ trang Gia Lai trong hai cuộc kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những địa phương ở Tây Nguyên, chiến trường Gia Lai trong các thời kỳ kháng chiến địch tập trung đánh phá ác liệt, càn quét, nống lấn, dồn dân, lập ấp để khống chế phong trào cách mạng. Lực lượng vũ trang được Tỉnh ủy chú ý thường xuyên củng cố, xây dựng phát triển từ nhỏ đến lớn, từ dân quân du kích đến lực lượng tập trung đủ mạnh về chất lượng, cùng quân chủ lực tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn nhỏ và chiến thắng vẻ vang, được nhân dân tin yêu, ủng hộ.

 Quân Giải phóng tiến công cứ điểm địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu
Quân Giải phóng tiến công cứ điểm địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là những tháng cuối cùng của cuộc chiến, vào những ngày đầu của năm 1954, lực lượng vũ trang Gia Lai đã phối hợp với quân chủ lực tổ chức những trận đánh quy mô lớn và chiến thắng vang dội, mà điển hình như trận Đak Pơ, ngày 24-6-1954, khi mà địch tập trung rút từ An Khê theo đường 19, gồm Binh đoàn 100, Tiểu đoàn pháo 105, Tiểu đoàn khinh quân 520, Tiểu đoàn địa phương và tiểu đoàn ngụy Campuchia đã bị quân ta đánh tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn.

Thừa thắng, bộ đội ta phát triển tiến công diệt tiếp một bộ phận của Binh đoàn 42, giải phóng thị xã An Khê, tiến công thị xã Pleiku, bao vây Cheo Reo. Một vùng rộng lớn từ An Khê, Đak Bớt đến Kon Plông và vùng Tây đường 14 Pleikli được giải phóng. Liên tục trong những tháng ngày tiếp theo, các lực lượng vũ trang Gia Lai đã tấn công các cứ điểm, đơn vị của Pháp trên khắp chiến trường, giải phóng nhiều thôn, làng, góp phần quan trọng cùng sự thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơnevơ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trước tình hình Mỹ-Diệm không chấp hành Hiệp định Giơnevơ, ra sức đàn áp phong trào, giết hại cán bộ, đảng viên và đồng bào, gây nhiều tổn thất cho cách mạng, Đảng bộ Gia Lai chủ trương đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang tự vệ. Khi có Nghị quyết 15 của Trung ương (khóa II-tháng 1-1959), khắp các chiến trường, quân và dân trong tỉnh nổi dậy diệt ác phá thế kìm kẹp của địch. Cuối năm 1959, Ban Quân sự tỉnh được hình thành do đồng chí Kpă Thìn (Bơ Hâm) làm Chỉ huy trưởng. Từ đây phong trào xây dựng lực lượng vũ trang tập trung và du kích xã, thôn được đẩy mạnh, hỗ trợ quần chúng đấu tranh diệt ác, phá kìm, vừa đánh địch vừa xây dựng, bảo vệ căn cứ.

Thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, trên chiến trường Gia Lai, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, đưa một số đơn vị quân đội Mỹ, chủ yếu là không quân, biệt kích để yểm trợ cho quân ngụy, củng cố, mở rộng các đồn bốt, xây dựng căn cứ quân sự ở An Khê, Pleiku…, tăng cường bắt lính, đôn quân, tăng lực lượng chiến đấu. Về phía ta, thực hiện chủ trương tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh theo phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”, thành lập thêm nhiều đơn vị vũ trang tập trung cấp đại đội, phân đội.

Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” thất bại, thay vào đó, Mỹ đề ra chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, trong lúc này đối với Tây Nguyên, chúng tham vọng đưa quân lên để tiêu diệt quân chủ lực của ta. Gia Lai là nơi mà Mỹ đưa quân đến sớm nhất; tháng 7-1965, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 đã có mặt ở An Khê. Đến gần những tháng cuối năm 1965, Mỹ-ngụy liên tục đưa nhiều sư đoàn Mỹ, ngụy và lập nhiều căn cứ tại những nơi quan trọng. Theo một số tài liệu thì đến tháng 6-1966, trên chiến trường Gia Lai đã có 31.400 tên lính Mỹ-ngụy (trong đó có 21.000 tên Mỹ).

 

Sau ngày giải phóng, một mặt lo việc lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội; mặt khác Đảng bộ Gia Lai hết sức chú trọng đến việc xây dựng, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn... “Quán triệt nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nâng cao cảnh giác, tăng cường khả năng phòng thủ và an ninh của đất nước, kiên quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc...”.

...“Phát động phong trào quần chúng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng an ninh vững mạnh...”.

(Lịch sử Đảng bộ Gia Lai, Nhà Xuất bản
Chính trị Quốc gia-2009; Tr 680)

Để đủ sức chiến đấu với lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy, bên cạnh lực lượng của Mặt trận Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã tăng cường lực lượng chiến đấu bằng cách phát triển và củng cố lực lượng vũ trang địa phương. Ngày 1-10-1965, thành lập tiểu đoàn tập trung đầu tiên với số quân 450 người. Ở hầu hết các khu (huyện) đều thành lập các đại đội, trung đội vũ trang, xây dựng và phát triển lực lượng du kích. Điển hình là lực lượng vũ trang và nhân dân Gia Lai phối hợp, tham gia chiến dịch Plei Me (Chư Prông).

Trong hơn một tháng chiến đấu, chủ động liên tục tấn công bằng chiến thuật “vây đồn đánh viện”, chiến dịch Plei Me kết thúc (từ ngày 19-10-1965 đến 19-11-1965, có tài liệu nói đến 26-11-1965), bộ đội chủ lực và quân dân Gia Lai đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên Mỹ, 1.270 tên ngụy, bắn rơi 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự và nhiều pháo, cối, súng đạn các loại. Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ lần đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh bị Quân Giải phóng đánh bại trên chiến trường Gia Lai.

Và, chúng ta đã biết các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đã hoàn toàn bị phá sản. Suốt chặng dài trong những năm 1960-1975, quân và dân Gia Lai đã cùng với cả nước ghi nhiều chiến công hiển hách. Chiến dịch Tây Nguyên mở màn (ngày 4-3-1975), khắp các chiến trường tiếng súng tấn công của quân ta cùng với phong trào nổi dậy giải phóng hàng loạt thôn ấp, đánh chiếm nhiều đồn bốt, phá tan rã nhiều đơn vị lực lượng ngụy quân, ngụy quyền.

Ngày 10-3-1975, Buôn Ma Thuột và toàn tỉnh Đak Lak được hoàn toàn giải phóng; kinh hoàng trước sự thất bại này, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút chạy theo đường 7, bỏ Kon Tum và Gia Lai. Ngày 17-3-1975, Gia Lai hoàn toàn được giải phóng. Lực lượng vũ trang Gia Lai bước sang thực hiện nhiệm vụ mới trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang Gia Lai luôn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng kế thừa, giữ vững và phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, xây dựng lực lượng vũ trang từng bước phát triển toàn diện, hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng-quân sự địa phương.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm