Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020.
Theo đó, có một số điểm mới cần lưu ý.
Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức
Từ ngày 1-7-2020, đội ngũ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là viên chức thay vì công chức như quy định của pháp luật hiện hành. Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành, Luật cũng đã có quy định giao Chính phủ quy định chuyển tiếp đối với công chức trong các đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ (Điều 85); đồng thời cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước (Khoản 3 Điều 84).
Ký hợp đồng xác định thời hạn với viên chức
Về ký kết hợp đồng xác định thời hạn, theo quy định của pháp luật hiện hành thì có 2 loại là hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn. Viên chức được tuyển dụng sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn (từ 12 đến 36 tháng); sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn thì viên chức được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đồng thời, Luật cũng quy định về chế độ tập sự đối với người trúng tuyển viên chức.
Quy định về việc ký kết hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn trong thời gian qua còn một số vướng mắc, cụ thể như sau: Việc phân biệt 2 loại hợp đồng dẫn đến sự bất bình đẳng, tâm lý "trên" – "dưới" giữa người ký hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không thời hạn.
Việc quy định về hợp đồng không xác định thời hạn đối với đội ngũ viên chức sẽ không khuyến khích cơ chế cạnh tranh, không có vào, có ra, từ đó không tạo động lực trong công việc, dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả; Quy định về hợp đồng không xác định thời hạn cũng dẫn tới một thực trạng là các đơn vị sự nghiệp công lập còn ỷ lại, trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, kém năng động, sáng tạo dẫn đến quá trình xã hội hóa cung cấp dịch vụ công diễn ra rất chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.
Để giải quyết bất cập nêu trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã xác định "Thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).". Đây là chủ trương lớn, tác động trực tiếp đến đội ngũ viên chức, trong đó phần lớn là viên chức hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ.
Quá trình xây dựng chính sách và thể chế hóa, nội dung này cũng đã được phân tích rất kỹ về ưu, nhược điểm của từng phương án, trong đó đề cao yêu cầu bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động, tránh xáo trộn gây tâm tư trong đội ngũ, đồng thời cũng phải tạo cơ chế để các đơn vị sự nghiệp và người lao động chủ động, có động lực, từ đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Theo T.Ngôn (NLĐO)