Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chiều 9-7, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) đã bế mạc. Trước đó, vào chiều cùng ngày, kỳ họp đã tiến hành phiên làm việc với nội dung báo cáo kết quả thảo luận tổ; các đại biểu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận chung tại hội trường với nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ; thông qua 16 nghị quyết quan trọng.
Bất cập việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trong phần chất vấn lãnh đạo các sở, ngành, đại biểu Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du: Vì sao đến nay vẫn còn đến 30.752 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đã hoàn thành nhưng chưa được trao cho chủ sử dụng đất? Trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc để tồn đọng số giấy CNQSDĐ như hiện nay? Giải pháp và thời gian để khắc phục sự tồn đọng này?
Đại biểu Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vất Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vất Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Đức Thụy
Trả lời chất vất, ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: Toàn tỉnh hiện có 790.909 giấy CNQSD đất đã được phát, trao cho người sử dụng đất (chiếm tỷ lệ 96,3%); có 30.752 giấy CNQSDĐ chưa trao (chiếm 3,7%) gồm 36 giấy chứng nhận của tổ chức và 30.716 giấy chứng nhận của hộ gia đình, cá nhân. Theo ông Du, phần lớn giấy chứng nhận đã cấp nhưng chưa trao cho người sử dụng đất được thực hiện theo hình thức cấp giấy CNQSDĐ tập trung của các công trình đo đạc, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính do UBND các huyện, thị xã triển khai. Khi triển khai thì người sử dụng đất tự kê khai đăng ký nhưng đến lúc các đơn vị tư vấn in giấy chứng nhận bàn giao cho UBND cấp huyện ký thì có nhiều hồ sơ người sử dụng đất chưa có nhu cầu nhận.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: Theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc kê khai đăng là bắt buộc nhưng đăng ký cấp giấy CNQSDĐ thì theo nhu cầu của người sử dụng đất. Ngoài ra, phần lớn giấy chứng nhận đã cấp nhưng chưa trao là do người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, phí, lệ phí), trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Mặt khác, do người sử dụng đất chưa nhận thức được tầm quan trọng của giấy CNQSDĐ hoặc chưa có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng cho, thế chấp bằng quyền sử dụng đất nên chưa nhận giấy. “Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu thống kê, rà soát, hướng dẫn các phòng chuyên môn của UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý, trao giấy CNQSD đất cho người dân tại các cuộc họp cũng như bằng văn bản. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý triệt để số giấy CNQSDĐ còn tồn cho người sử dụng đất; hoàn thành việc cấp, phát giấy chứng nhận trước ngày 30-12-2020 theo Chỉ đạo của UBND tỉnh”-ông Phạm Duy Du giải trình.
Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vất. Ảnh: Đức Thụy
Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vất. Ảnh: Đức Thụy
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung lưu ý: "Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục tuyên truyền pháp luật về đất đai, nêu rõ vai trò, ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi được cấp giấy chứng nhận; tiếp tục rà soát, thống kê, phân loại giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao theo từng nguyên nhân cụ thể để có hướng xử lý từng trường hợp”.
Tại phiên thảo luận chung tại hội trường chiều 9-7, các đại biểu đã dành nhiều thời gian bàn về Dự thảo nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Đa số ý kiến thống nhất với đề nghị làm rõ khu vực nội thành không được phép chăn nuôi; cần xác định cụ thể vùng nuôi chim yến để phù hợp với tập tính hoạt động của loài chim này, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, không gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội của dân cư tại khu vực nuôi chim yến, cũng như đảm bảo công tác quản lý khi có dịch bệnh xảy ra. 
Về vấn đề này, đại biểu Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: “Nuôi yến hiện đang là nghề mới và trong cơ cấu nông nghiệp hiện nay của tỉnh, chăn nuôi cũng đang chiếm một tỷ lệ ổn định. Và với tiềm năng, lợi thế cũng như đón đầu xu hướng phát triển chăn nuôi trong những năm tới, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh là cần thiết”.
Giải quyết nhiều vấn đề tồn tại
Cũng trong phần thảo luận chung tại hội trường chiều 9-7, nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu quan tâm nêu ý kiến, kiến nghị. Đại biểu Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề cập đến vấn đề triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đại biểu này nêu rõ: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện. Đồng thời, Sở có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, thống kê, lập danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Sau khi có quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh, các địa phương đã phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức chi trả tiền hỗ trợ đến tận tay người dân.
Kết quả, đến ngày 20-6-2020, trên địa bàn tỉnh đã chi trả xong tiền hỗ trợ cho 302.452 người (thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) với tổng kinh phí là 256,024 tỷ đồng; hỗ trợ 637 hộ kinh doanh (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm) với số tiền 637 triệu đồng; hỗ trợ 1.496 người lao động (không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm) với tổng số tiền hơn 1,545 tỷ đồng. 
"Một số địa phương còn lúng túng trong quá trình rà soát, tổng hợp, lập danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ dẫn đến việc trùng tên, trùng đối tượng hưởng... gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian thẩm định danh sách. Ngoài ra, công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chưa đạt 100% vì hiện nay còn một số ít đối tượng không có ở nhà, hoặc đi làm ăn xa; đối tượng đã tách hộ; không có tên trong hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân... Do vậy, ngành Bưu điện chưa tiến hành chi trả tiền hỗ trợ được. Hiện, các địa phương đang phối hợp với Bưu điện các cấp rà soát, tổng hợp, đối chiếu danh sách chi trả tiền hỗ trợ theo quy định”-đại biểu Rcom Sa Duyên lý giải.
Liên quan đến vấn đề đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-thông tin: Gia Lai là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng điện mặt trời và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện ở mức cao. Do vậy, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà đăng ký đấu nối vào lưới điện hạ áp là 378 hồ sơ với tổng công suất đăng ký 9,765 MWp và đăng ký đấu nối vào lưới điện trung áp là 711 hồ sơ với tổng công suất 683 MWp.
Nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, Sở Công thương đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Gia Lai, Công ty cổ phần Điện Gia Lai và các tổ chức, cá nhân thực hiện việc đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh theo các quy định hiện hành. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư các hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đáp ứng tiêu chí áp dụng giá bán điện được quy định nhằm triển khai đầu tư xây dựng, kịp thời đưa vào vận hành chậm nhất đến hết ngày 31-12-2020. 
“Dự kiến trong tháng 7-2020, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu đóng điện các hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với Công ty Điện lực Gia Lai và việc thực hiện đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà của một số chủ đầu tư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố”-đại biểu Phạm Văn Binh cho biết.
Thông qua 16 nghị quyết quan trọng
Tại kỳ họp, trên cơ sở nội dung dự thảo các nghị quyết được tổ thư ký trình bày, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến và nhất trí thông qua 16 nghị quyết trên các lĩnh vực, làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua 16 nghị quyết. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu biểu quyết thông qua 16 nghị quyết. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung nhấn mạnh: Tại kỳ họp đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, chúng ta cần khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua. Phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành; triển khai các biện pháp đồng bộ, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc sau dịch Covid-19 nhằm đạt được những kết quả khả quan trong 6 tháng còn lại. Cần hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng gắn với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông…
Nghị quyết chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 được kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XI thông qua nêu rõ: Trong 6 tháng cuối năm 2020, cần thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực triển khai chương trình liên kết, kết nối giữa sản xuất-chế biến-kinh doanh; hoàn thành kế hoạch trồng mới 5.000 ha rừng trong năm 2020; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn 27 xã nông thôn mới, 6 xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2020 từ 5% trở lên đối với cả 3 tiêu chí so với năm 2019…
“Đặc biệt hiện nay, dịch bệnh bạch hầu bắt đầu xuất hiện ở Đak Đoa. Các địa phương, sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch theo quy định, tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; rà soát, đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng; đẩy mạnh truyền thông, khuyến cáo phòng-chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn...”- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng tin tưởng, với tinh thần đồng sức, đồng lòng, một khí thế mới, quyết tâm mới, giai đoạn sắp tới, Gia Lai sẽ cùng đất nước vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống xã hội để thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội.
DUNG TẤN 

Có thể bạn quan tâm