Chuyên gia bình luận, đôi khi, chúng ta thường quan tâm khi Hiệp định nào có hiệu lực thì những dòng thuế nào sẽ về 0% ngay, nhưng "không có gì là cho không biếu không cả".
Hàng hóa của Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ muốn vào các thị trường.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Hiệp hội nhôm thanh định hình tại khu vực phía Bắc ngày 23/7, ông Nguyễn Minh Kế, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, Hiệp hội ra đời vào thời điểm này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của ngành nhôm, đặc biệt lợi ích do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.
"Nhôm Trung Quốc với giá rẻ đã phá giá thị trường khủng khiếp khiến các doanh nghiệp việt gặp nhiều khó khăn, nhất là lực lượng lao động trong ngành lớn. Hiệp hội sẽ là điểm tựa về mặt pháp lý để chống lại cuộc cạnh tranh không lành mạnh của nhôm thanh định hình của Trung Quốc vào Việt Nam", ông Kế nói.
Tuy nhiên, song song với động thái từ phía Hiệp hội, ông Kế cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự mình hoàn thiện áp dụng khoa học kĩ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh song phẳng với nhôm Trung Quốc. Cần chú trọng nhất vào việc đầu tư công nghệ, hoàn thiện con người.
Với các thị trường lớn khác như châu Âu, các chuyên gia trong ngành nhôm cũng chỉ ra rằng, cơ hội có rất nhiều nhưng cần có hỗ trợ của Nhà nước về chính sách thuế.
Việt Nam đứng trong top đầu về sản xuất nhôm
Theo ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực Phía Bắc, để vào được thị trường EU, với việc Việt Nam mới xuất khẩu vào 5%, trước tiên các doanh nghiệp phải có các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường đó.
"Hàng vào châu Âu là phải chất lượng, những doanh nghiệp Việt đáp ứng tiêu chuẩn và doanh nghiệp có năng lực, có khả năng để xuất khẩu vào thị trường này thì cơ hội này rất lớn", ông Phụ nói.
Theo đó, các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ về nội dung hiệp định thương mại Việt Nam - EU, trong đó về xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam còn đuối nên cần khắc phục, bổ sung điều kiện doanh nghiệp.
"Liệu chúng ta có phụ thuộc vào nguồn hàng từ Trung Quốc không? Tới thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng được nguồn nguyên liệu, song song với đó, với các nguyên liệu Việt Nam không sản xuất được thì nhập khẩu một số nguyên liệu từ nhiều thị trường khác. Ngành công nghiệp nhôm còn tương đối non trẻ nhưng tốc độ phát triển và tiếp thu công nghệ là nhanh, so với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam đứng trong top đầu về sản lượng và chất lượng phù hợp", ông Phụ nói.
"Thuế về 0% không chỉ có màu hồng"
Bình luận về tác động của các hiệp định thương mại tự do, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện Việt Nam đã có 13 Hiệp định thương mại được ký kết trong đó có 11 hiệp định đang thực hiện, 2 hiệp định (trong đó có EVFTA) đang chờ các văn bản hướng dẫn và một số hiệp định thương mại khác đang được Việt Nam đàm phán…
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết có các nội dung như mua sắm Chính phủ, rào cản thương mại, thuế, thương mại hàng hóa… Trong đó, quy tắc xuất xứ và cắt giảm thuế quan được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
"Trong chương thương mại hàng hóa nó có hai phần, thứ nhất là quy tắc xuất xứ và thứ hai là cắt giảm thuế quan. Luôn song hành với nhau. Sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta chỉ nói về thuế quan mà không nói về quy tắc xuất xứ", bà Thuỳ nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, đôi khi, chúng ta thường quan tâm khi Hiệp định nào có hiệu lực thì những dòng thuế nào sẽ về 0% ngay, nhưng "không có gì là cho không biếu không cả".
"Hàng hóa của Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ muốn vào các thị trường. Mà quy tắc xuất xứ là thiết kế riêng cho từng mã hàng khác nhau và thiết kế quy tắc xuất xứ là một trong những mục khó nhất, phức tạp nhất của bất kể một hiệp định FTA nào. Cho nên khi nói thuế quan bằng 0 thì không đơn giản là chỉ có màu hồng đó", bà nói.
Bà Thuỳ cho biết, hàng hóa được thiết kế riêng cho từng mã HS và đáp ứng quy tắc xuất xứ mới được ưu đãi thuế 0%. Và khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì áp dụng mức thuế thường, cao hơn rất nhiều với thuế của FTA.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể, có thể có các thị trường sẽ áp dụng thuế chống lẩn tránh. Đây là loại thuế áp lên những nhóm hàng mà hiện nay một quốc gia đã áp sẵn như thế rồi với một quốc gia khác, nếu chúng ta sản xuất hàng tương tự với mong mỏi đi sang các quốc gia kia thì chúng ta rất dễ áp thuế chống lẩn tránh nếu như chúng ta không chứng minh được các yếu tố đầu vào không sử dụng từ các quốc gia bị đánh thuế đó rồi.
"Thuế này ngày càng phổ biến khi chúng ta là quốc gia đang chịu sẵn thuế đó lại tiếp tục được hưởng bằng cách này hay cách khác qua các nhà máy ở nước khác. Không loại trừ ngành thép (đã bị rồi) và nhôm và nhiều ngành khác từ các quốc gia như Việt Nam cũng sẽ chịu chung thuế này khi xuất khẩu tới các quốc gia như Mỹ, Nhật Úc, New Zealand...", bà nói.
Với trường hợp này, bà Thuỳ khuyến cáo doanh nghiệp cần bình tĩnh sản xuất, cần chứng minh đã có chuyển đổi cơ bản. "Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nắm vững quy tắc xuất xứ, làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất thì sẽ thuận lợi cho chúng ta xuất khẩu vào EU và ngược lại", bà Thuỳ nói thêm.
Phương Dung (Dân trí)