Kinh tế

Nông nghiệp

Kỷ lục: Nông sản thu 41,3 tỷ USD và sẽ hơn thế nữa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành nông nghiệp khởi đầu năm 2019 với những khó khăn, thử thách chưa từng có khi ngay đầu năm, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi; những quy định mới trong truy xuất nguồn gốc khiến xuất khẩu nông sản sang một số thị trường gặp khó. Tuy nhiên, nhờ điều chỉnh cơ chế, chính sách, triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu chuỗi giá trị, năm 2019 nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng khoảng 2,2%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD.
Chủ động điều chỉnh sản xuất
Tinh thần chủ động điều chỉnh sản xuất, xoay trục linh hoạt đã mang lại những kết quả nổi bật cho ngành nông nghiệp trong năm qua. Đối với sản xuất lúa, Bộ chỉ đạo các địa phương chuyển đổi khoảng 100.000ha lúa có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới chuyển sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản; nâng tỷ lệ giống lúa chất lượng, giá trị cao chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu; ST25 đã được chứng nhận là loại gạo ngon nhất thế giới.
Xuất khẩu nông sản tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). Lô sữa đầu tiên đã được xuất vào Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hongkong (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hongkong.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%; Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam... là những điểm sáng trong xuất khẩu nông sản năm 2019.
 
Năm 2019, xuất khẩu nông sản đạt con số 41,3 tỷ USD. (ảnh: internet)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sự tăng trưởng mạnh mẽ của đội ngũ doanh nghiệp nông nghiệp đã góp phần quan trọng cho sự đổi thay của ngành nông nghiệp những năm qua. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có 2.756 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,2%. Năm 2019 ghi nhận có 17 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động.
Tuy vậy, việc cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi.
Tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021- 2030
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bước sang năm 2020, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. 

Một số chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành nông nghiệp: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8-3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9-3,05%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng 42%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%.

Theo đó, sẽ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP.

Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. Từng bước khống chế được dịch tả lợn châu Phi; giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản.
Để đạt được  những  mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao Bộ NNPTNT chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, có phân kỳ cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 đồng thơi ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 qua Bộ NNPTNT đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước (tối thiểu 120.000 tỷ đồng).
Riêng với chương trình xây dựng NTM, các xã còn lại chưa đạt chuẩn phần lớn là các khó khăn về kinh tế ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa rất cần nhiều nguồn lực từ bên ngoài. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 số xã đạt chuẩn NTM khoảng 80% (trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,8 lần năm 2020), Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ tăng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước gấp 2 lần giai đoạn 2016 - 2020.
Một điểm đáng được mong đợi trong năm 2020 theo người đứng đầu ngành nông nghiệp là Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đồng thời Bộ NNPTNT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh quy định về quản lý linh hoạt, hiệu quả diện tích đất trồng lúa phù hợp với Luật Quy hoạch và định hướng thị trường; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả hơn.
Anh Thơ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm