Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Kỹ năng sinh tồn dành cho tài xế đi trên đường đèo dốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo các chuyên gia an toàn giao thông, những cung đường đèo dốc thường rất quanh co, tầm nhìn bị hạn chế nên dễ xảy ra những tai nạn bất ngờ. Bên cạnh đó, ôtô còn dễ bị cháy phanh và lật xe nếu tài xế xử lý không đúng cách.

 

Khi ôtô leo dốc

Lúc này, tài xế cần quan sát độ cao của dốc để chủ động về số phù hợp. Nếu xe của bạn chở 2-3 người mà phía trước là con dốc thấp, thì chỉ cần lấy đà từ xa và vượt qua dễ dàng.

Đối với dốc trung bình có độ nghiêng khoảng 5% thì tài xế cần chủ động tăng tốc lấy đà, sau đó chờ cho xe gần hết đà và tốc độ dưới 40km/h thì bắt đầu về số phù hợp với vận tốc.

Còn nếu phải leo dốc cao trên 10%, tài xế cần chủ động về số thấp khi bắt đầu lên dốc để duy trì tốc độ ổn định và giúp hộp số vận hành êm ái. Lưu ý, tài xế không nên chạy nhanh trên đoạn đường dốc cao bởi ở chiều ngược lại, các phương tiện xuống dốc đang có rất nhiều đà nên rất dễ xảy ra tai nạn trong trường hợp mất lái.


 

Đường đèo dốc thường khá hẹp và dễ bị khuất tầm nhìn. Ảnh ST.
Đường đèo dốc thường khá hẹp và dễ bị khuất tầm nhìn. Ảnh ST.



Khi ôtô leo dốc quanh co

Những cung đường đèo dốc thường khá hẹp và dễ bị khuất tầm nhìn, vì vậy tài xế cần thường xuyên quan sát 2 bên gương chiếu hậu nhằm tránh các phương tiện xe máy vượt lên rơi vào điểm mù của ôtô.

Lưu ý, các bác tài nên quan sát gương chiếu hậu trước khi đánh lái, đồng thời giữ đều chân ga để cho xe không bị mất đà, gây nguy hiểm cho phương tiện đi phía sau.

Khi ôtô xuống dốc

Tuỳ theo tốc độ của xe đang di chuyển mà tài xế cần về số hợp lý. Tuyệt đối không được về số N và liên tục rà chân phanh, bởi thói quen này sẽ làm má phanh nhanh bị nóng dẫn đến hiện tượng mất phanh.

Tốt nhất là bạn nên thả dốc dựa vào độ hãm của hộp số, trường hợp cần thiết thì mới đạp chân phanh. Ngoài ra, bạn cần giữ khoảng cách tối thiểu 20m giữa các xe nhằm đảm bảo an toàn và có thêm thời gian để xử lý các tình huống bất ngờ phía trước.


 

Tốt nhất là bạn nên thả dốc dựa vào độ hãm của hộp số, trường hợp cần thiết thì mới đạp chân phanh. Ảnh ST.
Tốt nhất là bạn nên thả dốc dựa vào độ hãm của hộp số, trường hợp cần thiết thì mới đạp chân phanh. Ảnh ST.



Khi ôtô xuống dốc quanh co

Đây chính là thời điểm dễ xảy ra tai nạn nhất, do xe đang có đà từ trên cao kết hợp với góc cua tay áo sẽ làm cho phương tiện bị mất thăng bằng, nguy cơ lật xe là rất cao. Vì vậy, bạn cần về số thấp để thả dốc và đạp nhẹ chân phanh khi đánh lái nhằm làm chủ tốc độ.

Trường hợp dốc quanh co trơn trượt

Những cung đường đồi dốc thường có độ ẩm cao, mặt đường nhiều bụi bặm dầu mỡ, do đó nếu gặp trời mưa sẽ khiến mặt đường trơn trượt và dễ xảy ra tai nạn nguy hiểm.

Trong tình huống này, tài xế cần hiểu rõ mức độ nguy hiểm của mặt đường để di chuyển tốc độ thật phù hợp. Hơn nữa, nên hạn chế phanh gấp ở tốc độ cao nhằm tránh cho xe bị mất lái và lao xuống vực hoặc vách núi ở hai bên.

http://https://laodong.vn/xe/ky-nang-sinh-ton-danh-cho-tai-xe-di-tren-duong-deo-doc-771830.ldo

Theo TRẦN KHANH (Báo Lao Động)

Có thể bạn quan tâm