Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 tại Gia Lai: Một thí sinh bị đình chỉ thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng nay (22-6), 12.362 thí sinh Gia Lai cùng với hơn 850.000 thí sinh cả nước bắt đầu bước vào môn thi đầu tiên của Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 là môn Ngữ văn với thời gian 120 phút. Đây là môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi năm nay. Đề thi môn Ngữ văn năm nay được các thí sinh cho rằng khá “dễ thở”.

 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Buổi sáng đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2017, tiết trời ở Gia Lai khá mát mẻ, dễ chịu, các thí sinh bước vào phòng thi với tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng. Thời gian làm bài môn Ngữ văn bắt đầu từ 7 giờ 35 phút đến 9giờ 35 phút. Theo đa số thí sinh, đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá khó đối với các em. Đây đều là những kiến thức nằm trong nội dung mà các em đã được ôn tập. Cấu trúc đề thi được chia làm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm). Đề thi chọn ngữ liệu cho phần đọc hiểu là một đoạn trích trong Thiện, ác và smartphone (Đặng Hoàng Giang) nói về lòng trắc ẩn và sự thấu cảm. Đây là phần được nhiều thí sinh đánh giá là không bị đánh đố và làm bài khá suôn sẻ, dễ dàng. Phần làm văn gây thích thú cho các thí sinh với yêu cầu bình luận về quan niệm “đất nước” qua đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng-Nguyễn Khoa Điềm.

Thí sinh Lê Minh Thư-Điểm thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương Gia Lai (TP. Pleiku) cảm thấy khá hài lòng với bài thi môn đầu tiên của mình. Minh Thư chia sẻ: “Đề thi có đến 70% gắn với các vấn đề thực tiễn trong xã hội. Em rất thích câu nghị luận xã hội về lòng thấu cảm vì nó phù hợp với thực tiễn, phù hợp với học sinh. Phần làm văn em cũng khá tự tin bởi đây đều là những kiến thức mà tụi em đã được thầy cô ôn tập kỹ”.

 

Nhiều thí sinh phấn khởi sau môn thi đầu tiên. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều thí sinh phấn khởi sau môn thi đầu tiên. Ảnh: Đức Thụy

Cũng có tâm trạng khá tốt sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên khá nhẹ nhàng, thí sinh Nguyễn Hạnh Xuân Hiền (học sinh Trường THPT Pleiku, tốt nghiệp phổ thông năm 2016, tham gia thi xét tuyển Đại học lần 2) tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) nhìn nhận: “Đề Văn năm nay không khó so với sức của em. Thông thường phần nói về ý kiến bản thân, thí sinh dễ “gặp khó” nếu thầy cô chấm thi cứng nhắc, nhưng Hội đồng chấm thi là thầy cô của trường Đại học thì em an tâm về những suy nghĩ được cho là có tính “đột phá”, khác với bình thường của mình. Đợt này, em còn tham gia thi Toán và Anh văn nữa để đăng ký vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh”.
 

1 Các thí snh tự do bàn luận đề sau giờ thi tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku). Ảnh: Kim Linh
Các thí snh tự do bàn luận đề sau giờ thi tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku). Ảnh: Kim Linh


Tại các điểm thi ở 17 huyện, thị xã trong toàn tỉnh, các thí sinh cũng có phần thi khá ổn thỏa.

Em Phạm Thị Khánh Ly, học sinh lớp 12B3, Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) cho biết: Đề thi năm nay khá phù hợp với kiến thức chúng em đã học và ôn thi. Em làm được khoảng 80%. Còn em Kpuil  Sư, học sinh lớp 12B, Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Đức Cơ) chia sẻ: Em làm bài được khoảng 70%, được thầy cô ôn tập nhiều nên em khá tự tin để làm bài. Hy vọng các môn sau em sẽ làm tốt như môn này.

 

2 Cán bộ Điểm thi 08-Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - đang niêm yết bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: Đinh Yến
Cán bộ Điểm thi 08-Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - đang niêm yết bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: Đinh Yến

Sau 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah) thở phào nhẹ nhõm vì đề thi vừa sức với mình. Thí sinh Rcom Hương (làng Bui, xã Nghĩa Hưng) cho biết: “Đề thi môn Ngữ văn năm nay không khó. Sau khi đọc kỹ đề bài là em làm được ngay!”. Cùng chung niềm phấn khởi, thí sinh Lê Đức Thịnh (thôn 5, xã Nghĩa Hưng) chia sẻ: “Môn Ngữ văn không phải là môn sở trường của em nhưng em làm được khoảng 80%. Mừng lắm ạ!”.
 

Nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi trong tâm trạng phấn khởi. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi trong tâm trạng phấn khởi. Ảnh: Hồng Thi

Tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê), nhiều thí sinh rời phòng thi trong tâm thế nhẹ nhàng, phấn khởi bởi theo đánh giá của các em, đề thi môn Ngữ văn năm nay khá vừa sức và nằm trong chương trình học. “Em không chuyên ban C nhưng nhận thấy đề thi môn Ngữ văn không làm khó thí sinh. Đề thi khá hay khi đề cập đến “lòng trắc ẩn” và sự “thấu cảm”-là những vấn đề đang được xã hội quan tâm đặt ra hiện nay về mối quan hệ con người với con người và con người với xã hội thời hiện đại. Tình huống đề thi đặt ra cũng rất thú vị, từ “một đứa trẻ 3 tuổi chìa con gấu bông cho em bé sơ sinh” đến “cô gái có bạn bị ốm” hay cụ thể hơn là cậu bé người Bồ Đào Nha vui mừng chiến thắng một cách văn minh trước cổ động viên đội Pháp. Những tình huống này dễ khiến mỗi người đều cảm nhận thấy bóng dáng và hình ảnh của bản thân mình hay là sự lay động cảm xúc bởi đã từng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Bởi thế, thí sinh dễ dàng chia sẻ và khai thác suy nghĩ, cảm xúc của mình hơn”-thí sinh Lục Thị Cẩm Trúc, học sinh lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai cho hay.
 

8 Phụ huynh căng thẳng, hồi hộp bên ngoài khu vực thi tại Hội đồng thi Nguyễn Khuyến. Ảnh: Lê Hòa
Phụ huynh căng thẳng, hồi hộp bên ngoài khu vực thi tại Hội đồng thi Nguyễn Khuyến. Ảnh: Lê Hòa

Theo đánh giá chung của các thí sinh tại hai điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tôn và Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa) thì đề thi môn Ngữ văn năm nay không khó. Tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tôn, nhiều thí sinh hoàn thành bài thi sớm từ lúc 9 giờ với tâm lý phấn khởi. Em Hoàng Thị Kiều Nhung  hồ hởi:“Em học chuyên Văn nên thấy đề thi dù có sự phân loại thí sinh nhưng không khó. Nội dung đề thi phần đọc hiểu và câu 1 của phần làm văn có một điểm chung về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống, làm được phần đọc hiểu sẽ rất dễ để liên tưởng để làm câu 1 phần làm văn. Em tin tưởng sẽ đạt điểm cao”. Em Ksor H’Nheo cũng cho rằng đề Văn khá “dễ thở”, với những thí sinh có lực học trung bình cũng có đạt được 5-6 điểm.

Tại điểm thi số 14-Trường THPT Hà Huy Tập (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) có tổng cộng 215 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, được phân bổ ở 9 phòng thi. Trong đó có 135 thí sinh hệ THPT, 80 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Tại điểm thi này, khi thời gian làm bài còn hơn 30 phút, một số thí sinh đã rời khỏi phòng thi. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi môn Ngữ văn khá vừa sức, bám sát chương trình lớp 12, song để đạt được điểm cao không dễ, đòi hỏi phải có sự phân tích, lập luận sâu sắc và chặt chẽ. Là một thí sinh không may bị gãy cánh tay phải do tai nạn, em Nguyễn Hoàng Thắng (lớp 12A, Trường THPT Hà Huy Tập) vẫn cố gắng dự thi. Em cũng là một trong 2 thí sinh rời phòng thi sớm nhất. “Tay em còn đau nên em viết chậm và chữ hơi xấu. May là đề thi không quá khó đối với một học sinh trung bình như em. Em làm được hơn 60% và khá thoải mái để tiếp tục thi Toán vào chiều nay”.

 

3 Cùng nhau thảo luận đề của môn thi đầu tiên. Ảnh: Phương Vi
Cùng nhau thảo luận đề của môn thi đầu tiên. Ảnh: Phương Vi

Các thí sinh tự do cũng dễ dàng hoàn thành ở môn tự luận duy nhất này. Là chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia đợt thi này, thí sinh Nguyễn Hồng Sơn cho rằng đề thi Văn không khó lắm, tuy nhiên vì đang là quân nhân, nên “so với các bạn thí sinh tự do khác, thời gian để ôn của em không nhiều, và chủ yếu là tự ôn thi nên em không chắc chắn về phần thi của mình lắm”-Sơn bày tỏ. Được biết Sơn tốt nghiệp phổ thông năm 2015, sau đó đi nghĩa vụ quân sự, và năm nay mới đăng ký thi lại vào Học viện Biên phòng. Sau môn Ngữ văn, Sơn sẽ tham gia thi 2 môn nữa là Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều thí sinh hệ giáo dục thường xuyên cho rằng đề văn khá khó. Nhiều em chỉ hoàn thành được khoảng 30-50% bài thi. Em Đinh Thị Lươm (lớp 12-Trung tâm GDTX huyện Kông Chro) buồn bã nói: “Em chỉ làm được phần đọc hiểu còn phần làm văn, em gặp khó khăn khi cảm nhận về bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Thơ không phải là thế mạnh của em. Chắc em chỉ được tầm 3-4 điểm”.

Để hỗ trợ các thí sinh tham gia kỳ thi lần này, Huyện ủy, UBND huyện Đức Cơ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi. Theo đó, Huyện đoàn Đức Cơ đã huy động hơn 60 đoàn viên, thanh niên làm công tác tình nguyện, tổ chức nấu 40 suất cơm miễn phí phục vụ các thí sinh ở xa về dự thi, chuẩn bị hơn 60 chỗ ở miễn phí và bố trí 26 thanh niên tình nguyện làm xe ôm để đưa đón các em học sinh ở xa về dự thi. Cùng với đó, Chùa Tự Quang cũng kêu gọi các phật tử nấu 50 suất cơm miễn phí và chuẩn bị chỗ ở cho 50 thí sinh. Một số quán cơm trên địa bàn huyện cũng tiến hành giảm giá 5.000 đồng/1 suất ăn cho các phụ huynh và thí sinh.

Nhóm tình nguyện tại huyện Đức Cơ chuẩn bị cơm cho thí sinh và phụ huynh có nhu cầu. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhóm tình nguyện tại huyện Đức Cơ chuẩn bị cơm cho thí sinh và phụ huynh có nhu cầu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhìn chung trong buổi sáng đầu tiên của Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, công tác tổ chức thi tại các điểm thi diễn ra khá suôn sẻ, đảm bảo. Tại điểm thi THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku), công tác tổ chức thi được tổ chức rất nghiêm túc. “Đây là một trong 3 điểm thi đặc biệt nhất trong số 38 điểm thi của tỉnh, vì dành cho thí sinh tự do, tức là những thí sinh đã tốt nghiệp phổ thông, thí sinh đang công tác tại các lực lượng vũ trang hoặc đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng nhưng muốn đăng ký thi lại vào trường khác. Bởi vậy, công tác tổ chức coi thi được đặc biệt chú trọng và thực hiện nghiêm. Với môn Văn, đã có 461 thí sinh tham gia dự thi. Và trong buổi sáng nay, chưa phát hiện ra trường hợp vi phạm nào”-thầy Trần Bá Công, Trưởng điểm thi THCS Nguyễn Du cho biết.

 

Phụ huynh ân cần, lo lắng hỏi han các thí sinh sau khi môn thi đầu tiên kết thúc. Ảnh: Phương Vi
Phụ huynh ân cần, lo lắng hỏi han các thí sinh sau khi môn thi đầu tiên kết thúc. Ảnh: Phương Vi

Sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên khá “dễ thở”, các bạn thí sinh trên toàn tỉnh yên tâm nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý thật tốt, sẵn sàng bước vào môn thi Toán chiều nay.
 

“Đề thi môn Ngữ văn tương đối phù hợp với kiến thức đã được ôn tập và kỹ năng làm bài đã được trang bị. Đề khá an toàn, nằm trong trọng tâm ôn tập mà Bộ Giáo dục-Đào tạo đã định hướng từ đầu năm. Với mức độ đề như vậy, đa số học sinh sẽ hoàn thành được bài thi. Các câu hỏi trong phần đọc hiểu các em đã được ôn tập và thực hành kỹ và đều là dạng câu hỏi quen thuộc, không gây khó cho học sinh. Ở phần làm văn, đề phân loại học sinh khá, giỏi khi yêu cầu bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Phần này đòi hỏi các em phải có cảm thụ sâu sắc và tư duy sáng rõ vấn đề”-cô Trần Thị Hoàng Nguyên, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) nhận xét.
Tin từ Hội đồng thi Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai: Sáng 22-6, có 12.362 thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Ở môn thi đầu tiên này, có  96 thí sinh vắng mặt (3 thí sinh bị tai nạn, 1 thí sinh mất trước ngày thi, còn lại vắng không lý do), có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ vì mang điện thoại di động vào phòng thi. 

Nhóm phóng viên

Có thể bạn quan tâm