Giáo dục

Tuyển sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Phải có phương án dự phòng cho từng khâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-6 với hơn 1 triệu thí sinh dự thi; công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được thực hiện ráo riết, kỹ lưỡng.

Ngày 20-6, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh, thành phố, để rà soát công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Tăng hơn 45.000 thí sinh

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - cho biết tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm nay là 1.071.393, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm 2023. Trong đó, thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh. Thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38% tổng số thi sinh.

Toàn quốc có 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi, tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ là 66.927 thí sinh, chiếm 6,25% tổng số thí sinh. Trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh, TP HCM có 13.076 thí sinh.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, từ ngày 8 đến 18-6, 5 đoàn công tác của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Ban Chỉ đạo kỳ thi cấp quốc gia đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 12 tỉnh, thành phố. Các địa phương cơ bản đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và chuẩn bị cơ sở vật chất tổ chức kỳ thi theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục ở một số địa phương như điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số địa phương còn gặp khó khăn, hạn chế về không gian ăn ở cho đội ngũ in sao đề thi.

Trong quá trình kiểm tra, chỉnh sửa, duyệt hồ sơ của thí sinh, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng chậm duyệt so với lịch công tác. Một số địa phương chưa thực hiện thử nghiệm phương án xử lý tình huống bất khả kháng ở từng khâu với các đối tượng liên quan tổ chức kỳ thi…, chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị, do còn thời gian chuẩn bị đến ngày thi. Một số phòng thi tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh, an toàn vòng ngoài.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của bộ tại 63 sở GD-ĐT, hội đồng thi với gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu của các cơ sở giáo dục đại học tham gia. Thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi với tổng số 264 cán bộ chính thức tham gia. Hiện các đoàn kiểm tra đang chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Từ ngày 17 đến 20-6, 10 đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của 20 sở GD-ĐT. Trên cơ sở kết quả làm việc của các đoàn, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ có văn bản gửi các địa phương trước ngày 25-6.

Cuộc họp trực tuyến sáng 20-6 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Cuộc họp trực tuyến sáng 20-6 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhấn mạnh phải bảo đảm tuyệt đối an toàn các khâu từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi/bài thi; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự; điện nước…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu từng cấp, ngành, từng vị trí, công đoạn phải có nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, rõ nội dung, phương pháp chỉ đạo. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy mô lớn, phức tạp nên khó tránh khỏi có sơ suất, tình huống bất thường. Vấn đề là cần có tiên lượng trước, phương án dự phòng để sẵn sàng khi có tình huống phát sinh. Tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh được dự thi, đặc biệt với vùng khó khăn, nơi cách trở về giao thông… Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi, đặc biệt trong điều kiện thiên tai hoặc dịch bệnh, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi, đặc biệt là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Không để thí sinh nào vì khó khăn về kinh tế, đi lại… mà không thể đến trường thi.

"4 đúng, 3 không"

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định nguyên tắc "4 đúng, 3 không". "4 đúng" là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. "3 không" là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.

TP HCM có 13.076 thí sinh được miễn thi ngoại ngữ

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM có 90.062 thí sinh dự thi. Để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, việc phối hợp với các sở, ngành xây dựng phương án xử lý tình huống bất thường được đặc biệt chú trọng.

Theo đó, sở đã phối hợp xây dựng các phương án chuẩn bị, dự phòng, bảo đảm xử lý kịp thời, nhanh chóng những tình huống bất thường như thời tiết bất thường, an toàn thông tin mạng, các vấn đề liên quan đến đề thi, coi thi, chấm thi... Đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc 24/24 giờ, có cán bộ trực đường dây nóng nhằm mục tiêu triển khai nhanh chóng thông tin tới tất cả thành viên ban chỉ đạo trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Đến thời điểm hiện tại, 100% cán bộ tham gia công tác thi đều được tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi. Bảo đảm quán triệt và phổ biến đầy đủ vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia công tác thi. Ngoài ra cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác coi thi, chấm thi. Phối hợp với Công an TP HCM trong việc kiểm tra bảo mật an toàn của tất cả trang thiết bị đem vào khu vực in sao, coi thi và chấm thi.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nơi có điểm thi, bảo đảm việc tổ chức kỳ thi theo quy định, đúng yêu cầu.

Để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT, TP HCM đã huy động 810 lãnh đạo điểm thi, 3.805 phòng thi, 11.796 cán bộ coi thi, hơn 2.400 nhân viên phục vụ điểm thi…

Thông tin về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố cho biết trong số 90.062 thí sinh dự thi có 74.542 thí sinh hệ THPT, 9.735 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và 5.785 thí sinh tự do. Thành phố có số thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên nhiều hơn bài thi khoa học xã hội.

Đặc biệt, TP HCM cũng là địa phương có số thí sinh được miễn bài thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT cao nhất với 13.076 thí sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra thành công, thành phố đã có sự chuẩn bị công tác tổ chức qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường THPT công lập. Để cẩn trọng hơn, theo ông Hiếu, trước khi diễn ra kỳ thi 1 tuần, Sở GD-ĐT sẽ có các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu tổ chức kỳ thi, bảo đảm công tác phối hợp an toàn, thông suốt...

Có thể bạn quan tâm