Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Kỹ thuật phanh xe ôtô an toàn dành cho những tài xế mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phanh xe không chỉ đơn giản là dừng xe mà còn để đảm bảo vận tốc và vào cua ổn định. Dưới đây là một số kinh nghiệm dùng phanh đúng cách, giúp bạn lái xe an toàn hơn.
Phanh ôtô hoạt động thế nào?
Phanh trên ôtô con hiện nay phần lớn là loại phanh đĩa, một số xe dùng kết hợp phanh tang trống ở bánh sau. Khi tài xế đạp phanh, lực truyền động làm cho má phanh xiết vào đĩa phanh hoặc guốc phanh ép sát vào tang trống, tạo lực ma sát giúp xe giảm tốc độ.
Nhấp phanh
Đây là kỹ thuật được nhiều tài xế có sử dụng trong khi tham gia giao thông. Thay vì đạp mạnh phanh một lần, nhấp phanh xe nhiều bước sẽ giúp xe dừng từ từ rất êm.
Tài xế nên đạp hơi mạnh ở lần phanh thứ nhất để xe giảm tốc độ, đến mức ổn định rồi đạp phanh nhẹ dần dần để tận dụng đà của xe. Sau đó, đệm tiếp phanh cho đến khi xe dừng hẳn hoặc tiếp tục đi.
Đạp nhả phanh theo nhịp
Đây là kỹ thuật khá đơn giản và được đại đa số tài xế áp dụng thường xuyên. Các tài xế thường dùng khi phải điều khiển xe với một tốc độ cao mà không muốn phanh gấp có thể gây trượt bánh hay khóa bánh dẫn đến nguy hiểm.
Khi đi trên địa hình có độ dốc cao thì tài xế nên đạp phanh theo kiểu đạp - nhả liên tục để làm chủ được vận tốc và không làm trượt bánh gây mất lái.
Rà phanh
Rà phanh là kỹ thuật được sử dụng nhiều khi đua xe, thay vì phanh để giảm tốc độ xe xuống ngưỡng thích hợp rồi bỏ phanh vào cua, tài xế vẫn giữ tốc độ cao và bắt đầu rà phanh bằng một lực vừa phải khi vào cua. Lúc đó xe vẫn giữ được một tốc độ cao mà không bị mất lái.
Phanh được giữ ở một ngưỡng liên tục cho tới khi xe an toàn thoát cua, để tập kiểu phanh này, tài xế phải cảm nhận một lực vừa đủ để xe vào cua an toàn mà vẫn đảm bảo tốc độ cao.
Phanh khẩn cấp (phanh gấp)
Dùng trong trường hợp xe di chuyển tốc độ cao thì bất chợt gặp vật cản. Nếu đạp phanh đột ngột và mạnh, ôtô sẽ có nhiều khả năng bị bó cứng phanh lại, khiến bánh xe không lăn trên mặt đường mà trượt, xe hoàn toàn mất kiểm soát.
Để phanh gấp được hiệu quả khi xe đang đi tốc độ cao, cần đạp mạnh chân phanh đến khi cảm giác bánh xe đã bắt đầu trượt trên đường, nhưng vẫn đi thẳng theo chiều, vẫn kiểm soát được tay lái, ngay lập tức nhả chân phanh. Xe hết trượt, lại tiếp tục phanh cho đến khi xe dừng hẳn lại.
Phanh phối hợp

Phanh xe hiện nay phần lớn là loại phanh đĩa, một số xe dùng kết hợp phanh tang trống ở bánh sau. Ảnh: Anycar
Phanh xe hiện nay phần lớn là loại phanh đĩa, một số xe dùng kết hợp phanh tang trống ở bánh sau. Ảnh: Anycar
Khi xe di chuyển xuống dốc dài và nguy hiểm hay di chuyển trên đường trơn, trượt, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, bạn cần thực hiện phối hợp vừa phanh động cơ (về số thấp), vừa phanh chân. Thậm chí, có nhiều trường hợp nguy hiểm, bạn cũng cần sử dụng cả phanh tay.
Phanh khi đường trơn trượt
Mất lái trượt xe rất dễ xảy ra khi đi trên những đoạn đường bị ướt mưa hay bùn lầy. Lúc này tài xế cần phanh nhẹ và đạp phanh liên tục nhiều lần để bánh xe có điều kiện bám mặt đường và tránh được việc bị bó cứng phanh.
Việc đạp phanh nhiều lần này tương tự với công nghệ ABS trên xe, càng nhiều lần trong một thời gian ngắn thì độ an toàn càng cao.
Phanh xe khi đổ đèo
Tuyệt đối không được cắt côn khi khi xe đang xuống dốc, vì nó cực kỳ uy hiểm. Cắt côn sẽ làm ôtô lao theo quán tính với vận tốc tăng dần và chiếc xe rất khó phanh lại trong trường hợp khẩn cấp.
Nên đi xe ở số thấp để ghìm tốc độ của xe, đồng thời luôn sẵn sàng phanh nhẹ khi cần thiết để kiểm soát vận tốc, giúp giảm hao mòn má phanh.
PHƯƠNG DUY (LĐO)
https://laodong.vn/xe/ky-thuat-phanh-xe-oto-an-toan-danh-cho-nhung-tai-xe-moi-832014.ldo

Có thể bạn quan tâm