Con đường đẹp nhất lúc bấy giờ có lẽ là Trần Hưng Đạo ngang qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngày hai buổi rợp mát bóng cây. Hồi ấy, xe máy còn ít. Có chiếc xe đạp mang theo, hết giờ lên lớp, tôi lại cùng mấy cậu học trò lang thang đến những khu vườn cà phê ven hồ Đức An hay xuống chơi với nông dân trồng rau, trồng hoa ở cuối đường Cách Mạng Tháng Tám. Những vườn cải bẹ, cải sen xanh mơn mởn. Những vườn hoa hồng, hoa đồng tiền tươi sắc thắm. Rồi những giậu hồng leo, hoa xác pháo rực rỡ sau cơn mưa là những thứ người miền Trung nắng nôi như chúng tôi khó mà có được.
Những chiếc xe lam là một phần ký ức của người dân phố núi Pleiku (ảnh tư liệu do ông Nguyễn Quang Hiền sưu tầm). |
Nắng bụi mưa bùn là đặc thù của những con đường đất đỏ ven đô, cũng không cản được niềm đam mê khám phá những điều mới lạ ở một vùng đất khác. Cuối tuần có nhiều thời gian, tôi thường cùng Thư-cậu học trò lớn nhất lớp, khi thì đi xem giọt nước để hiểu thêm nét sinh hoạt đời thường của đồng bào Jrai; khi thì đến làng Kép, vào xin nước uống, lạ lẫm với cái màu đen nhem nhẻm và mùi ngai ngái của miếng thịt heo gác bếp.
Và thế nào chúng tôi cũng dành thời gian ngồi nghe người già kể chuyện làng, chuyện đất nơi đầy nắng đầy gió này. Để rồi, cái cảm giác ngập trong bụi đỏ bazan ấy như duyên như nợ, cứ đeo bám lấy tôi suốt quãng đời làm báo sau này.
Gia Lai trong tôi là những bức ảnh, những bài viết về giáo viên bám làng, bám lớp xóa mù chữ ban đêm của hội phụ nữ, những công trình cấp nước sạch cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở huyện Mang Yang; là chuyến công tác năm 1998 đầy ấn tượng khi tôi đi cùng bà Võ Thị Thúy Cải-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai về xã biên giới Ia O trên con đường 65 km mịt mù bụi đỏ; là hình ảnh dân làng Bi ngâm mình dưới nước, lăn đá be bờ, dựng đăng bắt cá nhét trên sông Pô Cô.
Nhìn dòng nước chảy xiết qua từng mỏm đá giữa sông, nhớ đến hình ảnh người lái đò trên sông Pô Cô huyền thoại A Sanh. Chỉ tiếc chuyến đi năm ấy, đang mùa đi rẫy, A Sanh không có nhà. Tôi đã lỡ dịp và mãi mãi không gặp được người anh hùng của những chuyến đò đưa bộ đội qua sông.
Đêm ở lại Ia O, câu chuyện của người phụ nữ Jrai từng dành cả tuổi thanh xuân để phục vụ cách mạng, nuôi giấu cán bộ, giúp tôi biết thế nào là lời thề sắt son với Đảng; biết thế nào là nỗi khó khăn, vất vả của bà con nơi biên giới.
Gia Lai trong tôi hơn 25 năm trước là vậy. Một vùng bazan đầy nắng gió và cơ cực với những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, đường sá cách trở, kinh tế nặng về khai thác tài nguyên, sản xuất lệ thuộc vào thiên nhiên… Nhưng cũng từ những năm ấy, một Gia Lai khát vọng mạnh giàu bằng cây công nghiệp, cây nông sản giá trị cao cũng đã bắt đầu định hình. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước, những vườn cao su tiểu điền từ 5 ha trở lên đã hình thành khắp các huyện: Đức Cơ, Chư Păh, Chư Prông... Những rẫy cà phê bạt ngàn, những vườn hồ tiêu xanh mướt của Chư Sê… đã trở thành niềm khát khao với bất cứ ai có máu lập nghiệp và mơ ước làm giàu.
Gia Lai bây giờ đã khác. Thành phố Pleiku đã được quy hoạch mở rộng theo hướng hiện đại, đường sá rộng rãi, hạ tầng đồng bộ với cơ quan công sở, công viên, quảng trường, các thiết chế văn hóa… được xây dựng khang trang mà vẫn giữ được vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên với màu xanh dịu mát trong lòng đô thị của những vườn cây, hồ nước, những buôn làng ven phố đậm đà bản sắc văn hóa ngày nào.
Thật đáng mừng khi Gia Lai đã phát huy lợi thế, tiềm năng của một địa phương có đầy đủ tài nguyên khoáng sản, đất đai, con người, văn hóa đa dạng, hạ tầng thuận lợi, trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; đồng thời là cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ, giúp tỉnh đẩy mạnh hợp tác, hoàn thiện hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển Gia Lai thành vùng kinh tế động lực trong khu vực.
Gia Lai bây giờ là vùng đất của năng lượng với nhiều nhà máy thủy điện, các dự án điện mặt trời, điện gió; vùng cây công nghiệp như cao su, cà phê; cây ăn quả với hàng chục ngàn héc ta chanh dây, sầu riêng, chuối, mít, dứa… phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Dù bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, năm 2022, tổng sản phẩm (GRDP) vẫn tăng 9,27%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60,4 triệu đồng. Phố phường mở rộng, cuộc sống người dân đã cải thiện hơn.
Niềm vui được mùa. Ảnh: M.Thi |
Một Gia Lai phát triển hiện đại và kết nối là những gì mà tôi cảm nhận được ngày trở lại Tây Nguyên cuối năm ngoái. Kết nối giữa trung tâm đô thị xanh với việc hình thành các đô thị vệ tinh trên địa bàn tỉnh; kết nối kinh tế xuyên biên giới thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và với vùng duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ qua hệ thống đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 19, 25; kết nối tiểu vùng sông Mê Kông trong vấn đề bảo vệ an ninh nguồn nước và đa dạng sinh học; kết nối phát triển du lịch qua Cảng Hàng không Pleiku, đưa du khách đến với con đường xanh Tây Nguyên, thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh hùng vĩ, trải nghiệm văn hóa dân tộc bản địa, mê say trong men rượu cần và hòa cùng không khí rộn ràng của văn hóa cồng chiêng.