(GLO)- Văn Công Hùng là nhà thơ của tình yêu, khát vọng tuổi trẻ và tự tình nhân thế. Thơ anh chắt lọc, giàu tính nhân văn và hoài vãng gắn với nỗi niềm sầu xứ man mác tình quê hương, xứ sở. Trong toàn bộ hành trang thơ trĩu nặng nghĩa tình đời tư-thế sự đó, anh dành phần nhiều tình cảm của mình cho Pleiku và cho chủ đề tình yêu với những cung bậc và sắc thái đắm say, mơ mộng.
Thơ Văn Công Hùng thuộc về mỹ cảm của cái đẹp với sự đối sánh giữa con người và thiên nhiên, tạo vật trong sự tương tác, tương hợp cụ thể, qua đó, anh tạo lập nên những kinh nghiệm triết mỹ, nhân sinh cho từng quan hệ sống. Bài thơ "Cầm Xuân" là một trong những kinh nghiệm quan hệ hiện sinh đó, dù trên bề mặt câu chữ, anh không đồng hiện cảnh vật và con người Pleiku cụ thể. Nhưng người đọc tinh ý sẽ nhận ra bên sau, bên xa của câu chữ chính là tình cảnh và hồn vía của Pleiku.
Mở đầu bài thơ là không gian hoài niệm Pleiku được đánh thức từ quá vãng chưa xa lắm trong ký ức của người thơ, nhưng lại có sức lay động trong liên tưởng với từng cảnh vật và trạng thái “chập chờn phía sắc phượng mong manh” của nhân vật trữ tình: “chợt nhớ Pleiku cái thời chưa xa lắm/có một bàn chân cứ vấp gốc thông già/cái gốc cũ xù xì như lưỡi câu giăng mắc/em chập chờn phía sắc phượng mong manh”.
Vậy mà ký ức gọi ký ức, liên tưởng gọi liên tưởng để nỗi nhớ bây giờ và nỗi nhớ ngày xưa nối tiếp nhau đồng hiện, cứ như là mặc định để đến nỗi gốc thông già “như lưỡi câu giăng mắc” phải hy sinh chứng kiến cho nỗi nhớ “nhung nhăng” vô cớ của đôi lứa một thời hò hẹn, say mê: “chợt nhớ có thời cứ hở ra là nhớ/cứ nhớ thế thôi chứ chả biết nhớ gì/nhớ nhung nhăng nhớ như là phải nhớ/nên gốc thông già mới phải hy sinh”.
Những kỷ niệm nên thơ cứ thế ùa về như là cơ chế của tâm lý tự vệ trong mơ mà mái tóc huyền là vật chứng cho sự thức tìm trong chơi vơi của chàng trai phiêu lãng, mong thỏa mãn mộng tình: “Pleiku cái thời sương còn làm tóc ướt/tóc bấy giờ xõa cả trong mơ/tóc bấy giờ khiến người phải thức/với tay tìm tóc giữa tầng thông”.
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn |
Cứ thế, Pleiku hiện về trong ảo giác lung linh, ảnh xạ hàng vạn ánh nhìn, tưởng như có ngàn triệu con mắt ai đó rờm rợp nhìn nhau trong từng gốc thông trầm ngâm, hoang tưởng. Thực và mộng dường như hòa quyện trong nhau: “Pleiku một thời mắt ơi là mắt/mỗi gốc thông là một vạn ánh nhìn/ơ chả lẽ lại có người nghìn triệu mắt/những buổi chiều nôn nao trong rờm rợp mắt nhau”.
Gặp gỡ rồi chia tay là chuyện muôn đời của tình yêu đôi lứa. Nhưng không phải sự chia tay nào cũng buồn. Trái lại, có những cuộc chia tay tin yêu và thương nhớ. Có cái bắt tay nồng ấm trong nhau để xôn xao, lưu luyến và yên lòng; có cái bắt tay để dâng trào nước mắt dỗi hờn, tê tái. Văn Công Hùng đã đồng hiện một chuyện tình hiện thực mà đầy chất lãng mạn. Vì vậy mà chia tay sau hẹn thề, đôi mắt ấy vẫn rưng rưng. Phải nói là một tình yêu, một cuộc hẹn hò đẹp đến trong veo: “Pleiku thời trong veo đến phải cầm chặt tay nhau cho khỏi lạc/chỉ thế thôi mà thấy yên lòng/Pleiku bao nỗi nhớ đổ về phía dốc/cuối con đường một đôi mắt rưng rưng”.
Một mối tình như thế thì bảo sao không dỗi hờn, nhớ nhung, mộng mị? Tôi đồ rằng mối tình đó dù có đi trọn vòng tình ái hay dở dang trong chia cách, thì nó vẫn lưu lại kỷ niệm đẹp và trong suốt như sương; nó trẻ mãi trong hoài niệm của hai trái tim yêu một thời lung linh tình sử, dẫu Pleiku giờ đã là quá vãng, gốc thông già giờ đã thêm tuổi cũ nhưng lá vẫn xanh non chứng kiến những mối tình thơ trẻ đến hẹn hò: “Pleiku một thời chúng mình như gió/dẫu nồng nàn vẫn tan vụn trong mây/và gió nên chúng mình trẻ mãi/thông dẫu già nhưng lá cứ xanh non...”.
“Cầm xuân” cũng có nghĩa là cầm tình yêu hoan ca cùng thiên nhiên, trời đất. Bài thơ vì vậy có tính ẩn dụ nghệ thuật sâu sắc. Thơ tình yêu của Văn Công Hùng nhẹ nhàng mà quyến rũ, hài hòa giữa ngoại cảnh và nội tâm, nói về nỗi riêng nhưng có khả năng nội cảm, đồng cảm trong nỗi chung của mọi người. Anh không giả tạo, gò bó mà cứ để cho mạch cảm xúc gọi về những kỷ niệm tình yêu đẹp và xôn xao của một thời trẻ trai, hoa mộng. Chính nhờ sự sống thật và tình cảm thật đó đã làm nên vẻ đẹp thẩm mỹ chân phương, chân cảm và chân mỹ của thơ tình yêu Văn Công Hùng.
HỒ THẾ HÀ