Vạn thọ - một tín hiệu của Tết
Dân quê kiểng, Tết cũng thích chơi bông chơi hoa để tạo nên sự khác biệt giữa thường nhật và mấy ngày xuân về Tết đến. Nên cứ theo nếp cũ, người xưa trồng vạn thọ với những ý nghĩa sâu sắc mà vẫn đượm nồng mùi Tết.
Tôi cứ nhớ hoài câu ca dao: "Ai ơi dẫu có đi xa/Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười". Ấy là "tôn chỉ" của những người đạo bông vạn thọ. Ngày ấy, bà tôi vẫn thường giở lịch canh ngày gieo vạn thọ, không biết bà có nôn nao Tết như tôi ngày ấy không.
Trung tuần tháng mười, bà lấy gói hạt giống đã chắt chiu từ hồi mới ra giêng. Bà săm soi rồi vẻ nâng niu lắm, như thể một người đang mang kỷ vật ra để lau chùi cho khỏi cũ. Mà cũng phải thôi, cầm trên tay những hạt bông vạn thọ là bà đang cầm lấy những kỷ vật của người xưa, một nét đẹp xưa đã tồn tại đến ngày nay bằng con đường di truyền văn hóa.
Bà xới đất, bà lót phân rồi gieo những hạt mầm xuân đầu tiên xuống. Rồi những ngày tiếp theo là những chuỗi ngày bà tôi mặc áo dạ, tay chắp sau lưng lững thững thăm nom liên tục mỗi sớm mai, khi sương lạnh ngày đông ôm lấy không gian trời đất.
Trong cái lạnh như cắt ấy, tôi cảm nhận cành khô khẳng khiu của những cội cây già cũng đang run rẩy trong cái rét buốt, vậy mà những mầm bông vạn thọ vẫn mạnh mẽ trồi lên trên mặt đất, rồi lớn dần… lớn dần, xanh non, xanh mướt mát...
Vạn thọ và những ngày Tết sang
Khi đông đã cạn ngày, bờ rào nhà tôi thẳng tăm tắp hai hàng vạn thọ đứng như "dàn chào" để đón mừng xuân sang. Mùi Tết đã dậy lên từ trong những chùm lửa vàng, lửa đỏ đang dần cháy bừng lên trong những khóm hoa chân phương, mộc mạc. Giữa muôn loài kỳ hoa dị thảo quyến rũ và quý phái, hoa vạn thọ vẫn được người dân quê tôi yêu mến, có lẽ vì nó cũng chân chất như những người làm bạn với luống cày.
Trước sân, vạn thọ cứ thế hồn nhiên nở. Trong dáng hình của loài hoa ấy, tôi nghe như Tết đang xôn xao, lòng rạo rực một niềm hoài mong đất trời thay mây đổi gió. Mùi đất lành tỏa ra hăng hắc và nồng như xạ, vậy mà cứ vương vấn mãi trong hồn tôi thuở chín, mười.
Ba ngày Tết, vạn thọ nở rực rỡ như cháy hết lửa với xuân. Trong làn nắng ửng, ong bướm cũng vờn quanh luống hoa như bị sức hút của loài cây thân thảo này gây chú ý. Láng giềng khi đến chúc Tết, ai cũng khen bà tôi có tay trồng bông. Vì hàng vạn thọ nở đều mà bông nào cũng vun đầy như nhựa Tết đã căng tràn và vỡ ra trên từng cánh mỏng mảnh, li ti như được đính lên trên khóm hoa.
Có những người ngỏ lời xin bà qua thượng nguyên chia lại cho ít giống, để cuối năm trồng cho ra được giàn bông đẹp, ưng ý để chơi Tết. Bà nở nụ cười hồn hậu như thay lời đồng ý và tâm đắc về những cây bông vạn thọ biết ơn bà tỉ mẩn gieo trồng, lụi cụi chăm chút.
Đi vào ký ức của Tết
Rồi cứ theo những mùa xuân, ký ức về bông vạn thọ chất chứa dần trong kho trí nhớ của những người quê kiểng. Ở thành phố, họ có một cái tên mỹ miều hơn, sang trọng hơn cho bông vạn thọ, đó là cúc vạn thọ. Nhưng vạn thọ thì mãi mãi mang trong mình hồn quê, vẫn cứ chân chất như nó vốn có. Nên ở đâu, loài hoa ấy đối với tôi vẫn là bông vạn thọ.
Những chiều cuối đông, tôi thường dạo chợ hoa thành phố trước lúc về quê, đó là thói quen của tôi những ngày chớm xuân từ hồi ở quê. Giữa muôn ngàn loài hoa đang vươn mình khoe sắc thắm, vạn thọ âm thầm nở một cách bình dị nhưng lại gây chú ý, nhất là đối với những ai đã từng có mùa xuân đầm ấm ở quê nhà.
Thế nên, dấu hiệu của những người dân ra đi từ làng là những chùm bông vạn thọ được chưng trong ngôi nhà giữa phố vào mấy ngày thượng nêu. Bởi lẽ cây bông ấy đã ghim hẳn vào ký ức của họ. Nên dù có đi đâu, ở đâu thì ngày xuân họ cũng diện cho ngôi nhà mấy cây bông vạn thọ như để níu hương Tết xưa lại gần một chút.
Có những lần đi trên phố, rồi nhìn thấy người ta bố trí mấy chậu bông vạn thọ con con trong nhà, tôi chợt nhớ đến lời ca "Bông vạn thọ" của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Đoạn cuối ca khúc là mấy câu: "Tối ba mươi, trong nhà ai cũng đều thơm thơm hương bông vạn thọ/Trên bàn thờ khói nhang bay bay/Dù quê xa hay thành phố/ Xuân này cầu chúc cho năm sau, nhà ai cũng đều yên lành/Xuân vui thái bình"…
Theo Nguyễn Nhật Thanh (TNO)