Điểm đến Gia Lai

Ký ức người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi vừa có dịp về thăm lại khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Nghe nói đường vào Krong đang làm, ô tô chưa thể đi được, chúng tôi phải vòng ra xã Sơn Lang để đi vào. Đứng trên đỉnh dốc Krong của con đường mới này nhìn xuống, thung lũng “ngã ba sông” hiện lên một màu xanh lúa bắp xen với những ngôi làng nhấp nhô mái tôn, mái ngói của người Bahnar. Đó là dấu hiệu của sự phát triển nhiều so với những năm trước. Và ký ức của người trong cuộc lại hiện về trong tôi với bao điều của một thời xa vắng...
 


Trước khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), trên chiến trường Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”. Chúng tập trung lực lượng càn quét, đánh phá, nống lấn ra các vùng giải phóng của ta.

Sau chiến dịch, ngay cả khi Hiệp định Paris đã có hiệu lực, quân ngụy không chấp hành mà vẫn tiếp tục tập trung lực lượng đánh phá các vùng phía Đông và Tây đèo Mang Yang trên đường 19, dọc đường 14, khu vực K4, K5 (Ia Grai và Chư Prông ngày nay). Lúc bấy giờ, lực lượng của ta cùng lúc đánh trả quân địch càn quét, phá các khu dồn, giành, giữ dân, giữ đất, bảo vệ vùng giải phóng; mặt khác bắt tay vào xây dựng, củng cố chính quyền, phát động nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng thi đua tăng gia sản xuất. Điều này giúp bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến trường và giải quyết tình hình đói của một bộ phận nhân dân vừa được đưa về vùng giải phóng từ các khu dồn của địch.

 Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T
Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đức Thụy


Nhìn ngã ba sông La Bà và sông Ba, tôi nhớ lại những vị trí mà các cơ quan của tỉnh đứng chân, đặc biệt là thị trấn Dân Chủ. Thị trấn Dân Chủ được hình thành đầu năm 1974, nằm trong một dải rừng già che kín, có chừng vài ba chục hộ dân Kinh từ các dinh điền tụ về và các cửa hàng mậu dịch, trường cấp I, trạm xá, trạm giao liên, đồn công an, bãi chiếu phim... Nơi đây cũng là điểm dừng chân của 2 tuyến hành lang Bắc-Nam và Đông-Tây, cán bộ, chiến sĩ trên đường hành quân, công tác đều ghé qua. Thị trấn Dân Chủ khi ấy đã trở thành đầu mối giao lưu trao đổi, mua bán hàng hóa quan trọng của vùng căn cứ, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, quân dân trong khu căn cứ và vùng giải phóng K10, K1 và K2 (K12)...

Khi biết tin tôi được tỉnh điều về để chuẩn bị đi học xa, các anh chị, đồng đội ở K8 cho được ít tiền. Mỗi khi từ Văn phòng Tỉnh ủy ra thị trấn, tôi hay mua một vài thứ như kem, bàn chải đánh răng, khăn mặt, xà phòng, bánh kẹo...

Đoạn đường từ cơ quan Tỉnh ủy ra thị trấn dài chừng 7 cây số, quanh co dọc theo con sông La Bà và rừng le, lồ ô ken dày, thế mà tôi đi cũng mất đến vài tiếng đồng hồ. Trên đường đi, tôi hay ghé qua cơ quan Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra, Ban Tuyên huấn, đôi khi vượt sông, leo dốc sang cả cơ quan Phụ nữ-đó là những cơ quan đóng dọc theo hai bờ sông La Bà. Biết tôi ra thị trấn, nhiều người nhờ mua đồ giúp. Hàng hóa ở thị trấn chủ yếu được đưa từ vùng giải phóng ở Bình Định lên, cũng đã có một số nhu yếu phẩm từ miền Bắc đưa vào.

Dọc thị trấn có một con đường đất rộng chừng 3-4 m, dài khoảng nửa cây số, con đường này do đoàn viên thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh làm; hai bên con đường là nhà dân và các cửa hàng mậu dịch, có cả vài ba hộ dân mua bán nhỏ lẻ. Thị trấn trở nên vui nhộn nhất vào những đêm có chiếu phim hoặc biểu diễn văn nghệ. Nhiều năm ở phía trước, căng thẳng và ác liệt, cận kề với cái chết, khi có được chút không khí tự do, không lo bom đạn, giặc giã, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc so với bao đồng chí, đồng đội còn ngày đêm ở chiến trường.

Thị trấn Dân Chủ giờ là trung tâm hành chính xã Krong. Chủ tịch UBND xã Đỗ Công Trúc cho hay, hiện có chừng vài chục hộ dân người Kinh sinh sống bằng nghề mua bán nhỏ và làm nông, gần đó là làng Sơ Lam, làng Vir của người Bahnar định cư. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con trong xã nay đã cải thiện đáng kể, giao thông thuận lợi, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khá khang trang. Bữa cơm trưa của anh em chúng tôi hôm ấy có cả thịt, cá; đặc biệt, chủ nhà còn cho chúng tôi thưởng thức món mì gòn luộc để nhớ về ngày xưa. Có người bảo, xưa trong căn cứ thấy mì luộc là ngán, giờ thì nó là... đặc sản.

Trở về Krong lần này, chúng tôi đã đến một số địa điểm mà trước đây các cơ quan của tỉnh đứng chân. Ngoài di tích lịch sử văn hóa căn cứ địa K10-nơi Tỉnh ủy đứng chân trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ-đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo, khánh thành và đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử... Nhiều cơ quan, ban, ngành như: Phụ nữ, Tài chính, Tuyên giáo, Công an, Tỉnh đội cũng đã dựng bia, xây nhà, tái hiện lại khu ở và làm việc xưa kia. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm, tri ân công lao của các thế hệ đi trước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.

Ông Nguyễn Dũng-nguyên Giám đốc Sở Tài chính-rất vui khi đưa chúng tôi đến thăm công trình “Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai (1959-1975)” đang xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa với gần 3 tỷ đồng. Lãnh đạo Sở Tài chính đã quyết định xây dựng nhà bia, tái hiện lại nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, bếp Hoàng Cầm, hầm trú ẩn, hầm đựng tiền, nhà vệ sinh... Dự kiến cuối tháng 9 này, công trình sẽ hoàn thành.

Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong đã hình thành theo quy hoạch, hy vọng trong tương lai gần nơi đây sẽ trở thành điểm đến đầy thu hút của du khách trong và ngoài tỉnh. Ngành du lịch cần quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư xây dựng điểm, tuyến, kết hợp tham quan, dã ngoại, chọn những hộ dân có điều kiện tham gia làm du lịch, giới thiệu sản phẩm địa phương... Được biết, Kbang đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2020, đây là điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.

 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm