Điểm đến Gia Lai

Ký ức voi làng Bua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Điều tôi nuối tiếc và xót thương nhất là không giữ gìn được xương Y Khoăn khi nó trở về đất lạnh. Đồng bào Jrai coi nơi voi phủ phục là đất thiêng, không ai dám chạm vào kể cả một sợi lông voi. Vậy mà, da, xương của nó người ta vẫn lén lấy đi hết”-ông Rơ Châm Dom (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) buồn bã.

 Một thời, voi là loài vật gắn bó với cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Ảnh: Trần Phong
Một thời, voi là loài vật gắn bó với cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Ảnh: Trần Phong

Trong ký ức của những người già, voi làng Bua trong kháng chiến chống Mỹ từng tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực. Ông Rơ Châm Dom kể: Sau ngày giải phóng, làng Bua có 2 con voi cái, đều của nhà ông. Đó là con Y Khoăn và Y Nem được ông mua bên Campuchia hồi cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. “Lúc ấy, nhà tôi phải bỏ ra 50 con trâu và 50 bộ chiêng quý mới đổi được 2 con voi”-ông Rơ Châm Dom nói.

Năm 1987, một nhóm người Campuchia đưa thêm 2 con voi về làng sinh sống và lẩn trốn khỏi cuộc tàn sát của bọn diệt chủng Pol Pot. Trong đó có 1 con voi đực tên là Brăh của gia đình ông Siu Hoan (làng Lâm, xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Hai chú voi này đã từng suýt chút nữa khiến cả làng gặp nguy bởi bọn Pol Pot lần theo dấu chân voi tìm về tận làng Bua. May thay, dân làng đứng ra nhận đó là dấu chân của Y Khoăn và Y Nem nên chúng mới thôi lùng sục.

Sự xuất hiện của Brăh ở làng Bua đã giúp con Y Khoăn của già Dom sinh được 3 chú voi con, tất cả đều là voi cái. Trong đó, ông Rơ Châm Dom kịp đặt tên cho 2 con là Y Khăm và Y Đưk. Y Đưk cùng con voi thứ 3 được ông bán lại cho người Campuchia. Sau này vì phật ý chủ, con voi thứ 3 này đã tự vẫn chết và Y Đưk cũng gần như mất thông tin.

Theo ông Rơ Châm Dom, đặc tính của loài voi là ưa sạch sẽ, trung thành và thông minh. Y Khoăn hiền lành nhưng rất ghét những người uống rượu. “Thông thường, loài voi coi ai là chủ mới phục tùng người đấy. Tuy không chủ động tấn công người khác nhưng không phải ai cũng có thể lại gần hay thân mật, chơi đùa với chúng. Năm 1984, một người họ hàng của tôi trong cơn say rượu đã lại... vỗ má con Y Khoăn. Nó nổi giận bèn quật ngã và húc vỡ đùi anh ấy. Cũng may là tôi tới kịp”-ông Rơ Châm Dom kể lại.

Qua nghiên cứu, người ta nhận ra rằng, voi là loài có bộ não rất lớn. Bởi vậy, voi rất thông minh, có cảm xúc. “Những người từng nuôi voi như chúng tôi đều biết, voi có tri giác rất tốt. Nài voi nếu không hiểu được nó, hành vi cư xử không chuẩn mực có thể sẽ khiến voi buồn dẫn đến tuyệt thực mà chết”-ông Rơ Châm Dom chia sẻ.

Nhắc đến Y Khoăn, ông Rơ Châm Dom cho hay: Nó chết vào năm 2014 tại một khu rừng ở gần làng Bua. “Một buổi sáng tinh mơ, con trai tôi định dẫn Y Khoăn lên rừng đi ăn thì phát hiện nó đã chết. Chúng tôi mua heo, gà, rượu cần để làm lễ cúng ma cho Y Khoăn. Theo phong tục người Jrai, voi chết ở chỗ nào sẽ để xác nguyên chỗ đó. Xác voi phải được để yên, không can thiệp. Phần đất nơi voi phủ phục sẽ là đất thiêng của dòng họ, gia đình. Vậy mà, chẳng bao lâu sau người ta lén lột da nó, rồi xương cốt của nó cũng bị lén lấy đi bằng hết”-ông Rơ Châm Dom ngậm ngùi.

Ít năm sau đó, gia đình ông làm lễ bỏ mả cho Y Khoăn. Lễ kéo dài 2 ngày, gia đình có đập 4 con trâu, 4 con heo làm lễ.

...Bây giờ, ở làng Bua, không ai còn thấy dấu chân voi. Chỉ còn dấu vết trong tiềm thức, thi thoảng gợi lên trong tâm trí những người như ông Rơ Châm Dom.

 

HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm