Sống trẻ - Sống đẹp

Lá chắn cho trẻ em trên môi trường mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp xúc sớm với môi trường mạng xã hội nhưng thiếu kỹ năng nên nhiều trẻ em gặp tác động tiêu cực, thậm chí tổn thương nặng nề. Vào dịp nghỉ hè, trẻ em dễ sa đà vào game và mạng xã hội hơn ngày thường. Tạo “lá chắn” để bảo vệ các em là điều cần kíp.

Tại hội nghị chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Công an vừa tổ chức mới đây, Cục An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin: Đến tháng 3-2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối internet. Độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi con số này ở trẻ em thế giới là 13 tuổi.

Sử dụng internet sớm trong khi chưa được giáo dục đầy đủ các mối nguy hại nên trẻ em dễ lệch lạc trong nhận thức, hành động, dễ trở thành nạn nhân của các loại tội phạm trên môi trường mạng.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, hỗ trợ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Ảnh: L.N

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, hỗ trợ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Ảnh: L.N

Tại Gia Lai, dư luận vẫn chưa quên vụ việc em P.N.N.H. (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê) bị T.T.M.T. (lớp 12, Trường THCS và THPT Y Đôn, huyện Đak Pơ) đâm tử vong vào tối 6-3-2024. Xuất phát từ mâu thuẫn trong quá trình bình luận bài viết trên mạng xã hội, 2 nữ sinh cùng nhóm bạn hẹn gặp mặt để “giải quyết” và dẫn đến hậu quả đau lòng.

Chỉ sau đó 1 tuần, cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, em N.L.T.H. (lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) bị nhóm 3-4 nữ sinh khác đánh hội đồng tại một bãi đất trống, trong khi nhiều học sinh khác dùng điện thoại quay lại diễn biến vụ việc và chia sẻ rộng rãi. Đây chính là điển hình của vấn nạn bạo lực học đường và “bắt nạt trực tuyến”, gây tổn thương tâm lý nặng nề và lâu dài cho nạn nhân.

Một người bạn của người viết cũng từng tâm sự, do bị cuốn vào công việc và có phần chủ quan trong quản lý thời gian sử dụng mạng internet của con nên chị đã bị “sốc toàn tập” khi phát hiện con gái đang học THCS bị một đối tượng xấu quen qua mạng xã hội dụ dỗ chat sex, cởi bỏ quần áo.

3 năm qua, cả nước xảy ra hơn 400 vụ lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện thủ đoạn dụ dỗ, xâm hại trẻ em. Công an đã khởi tố trên 480 vụ với hơn 550 bị can về các tội xâm hại trẻ em và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; đồng thời, ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em.

Việc bảo vệ, hỗ trợ con trẻ trên “môi trường ảo” là điều mà cả xã hội hết sức quan tâm. Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông vừa có Công văn số 870/STTTT-BCVT về việc tăng cường công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 1797/KH-UBND ngày 12-8-2022 của UBND tỉnh về triển khai chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu chung của Kế hoạch số 1797 là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn; thông tin, tuyên truyền đến cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực.

Giảm tác động tiêu cực từ môi trường mạng đối với trẻ em là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Ảnh Internet

Giảm tác động tiêu cực từ môi trường mạng đối với trẻ em là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Ảnh Internet

Trước đó, Thông báo số 194/TB-HĐND ngày 12-4-2024 của HĐND tỉnh đã nêu kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em. Theo đó, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề trẻ em để tạo điều kiện cho các em phát huy hết năng lực, thể chất, trí tuệ trong môi trường lành mạnh.

Dù vậy, nỗ lực của các cấp, các ngành sẽ không thể mang lại hiệu quả nếu thiếu sự sâu sát từ phía gia đình. Bởi hơn ai hết, cha mẹ gần gũi con nhất và hiểu rõ nguy cơ mà con em mình có thể gặp phải. Nếu không kiểm soát tốt, phụ huynh sẽ vô tình phát tán những thông tin riêng tư của con, gây ra rủi ro không đáng có cho trẻ như bị bắt cóc, bị xâm hại…

Giải pháp hữu hiệu để các gia đình đối phó với thách thức từ môi trường mạng đó là chủ động trang bị, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho từng thành viên trong gia đình. Chỉ khi chúng ta dành đủ thời gian đồng hành cùng con trẻ, khi đó mới có thể hướng dẫn con học hỏi, tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Có thể bạn quan tâm