Kinh tế

Nông nghiệp

LẠ: Nuôi 600 con rồng sần sùi, bán cho dân chơi làm thú cưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ niềm yêu thích đối với rồng Nam Mỹ - loài “thú cưng” có hình dáng đậm nét hoang dã, một số thanh niên 9X tại tỉnh An Giang đã gầy dựng cho mình những “trại rồng” Nam Mỹ để thỏa đam mê và phát triển kinh tế.
 

Khởi nghiệp từ loài bò sát "lạ”

Phản ứng đầu tiên của những người xung quanh khi biết bạn Lê Duy Tân (sinh năm 1997, ngụ thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bỏ ra bạc triệu để mua rồng Nam Mỹ và có ý định mở rộng chăn nuôi loài thú lạ này là ai cũng cho rằng Tân làm chuyện lạ đời.

 

Lê Duy Tân rất yêu thích “thú cưng” bò sát.



Cũng đúng thôi, bởi khi đó rồng Nam Mỹ là con vật còn quá xa lạ với người dân miền Tây. Nhưng với quyết tâm theo đuổi đam mê, qua hơn 7 năm gầy dựng và gắn bó với loài “thú cưng” này, Lê Duy Tân đã mang về cho gia đình nguồn thu nhập không nhỏ.

Tân chia sẻ: “Em có sở thích tìm hiểu về các loại bò sát từ bé, đến năm 14 tuổi em vô tình biết đến rồng Nam Mỹ và cảm thấy cực kỳ hứng thú với loài bò sát có hình dáng “cực ngầu” này. Vậy là em tìm mua bằng được một con để chơi, sau đó tự mình tìm hiểu quy luật sinh trưởng, cách chăm sóc để phát triển đàn rồng”.

 


Hiện, Tân đang sở hữu khoảng 20 con rồng mẹ có khả năng sinh sản, mỗi năm cho ra đời khoảng 600 con giống cung cấp nhiều nơi trong và ngoài tỉnh An Giang. Tùy vào độ tuổi, màu sắc, hình dáng… mỗi chú rồng Nam Mỹ sẽ được cung cấp đến người yêu thích với giá từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Rồng Nam Mỹ có tên gọi là Iguana, xuất xứ từ vùng nhiệt đới của Nam Mỹ, sau đó du nhập vào Thái Lan rồi được đưa sang Việt Nam phục vụ người yêu thích. Nhìn bề ngoài những con rồng Nam Mỹ có hình dạng rất “ngầu”, tuy nhiên chúng lại rất hiền lành.

Với đặc tính ít di chuyển nên chuồng nuôi rồng Nam Mỹ được thiết kế đơn giản bằng lưới nhôm hoặc thép có kích thước tương ứng với chiều dài của chúng, một số người còn nuôi rồng trong lồng kính đặt trong nhà để làm kiểng.

Lê Duy Tân chia sẻ: “Rồng Nam Mỹ hiện nay tại Việt Nam đang có các màu: xanh lá, xanh biển, đỏ, vàng và một số mảng màu đột biến đậm hơn, nhạt hơn các màu truyền thống, đặc biệt năm 2019 xuất hiện thêm rồng con màu trắng giá rất cao được nhập về từ Thái Lan”.

Vì niềm đam mê nên ngoài những con rồng có mảng màu quen thuộc, Lê Duy Tân không ngần ngại bỏ tiền đầu tư thêm những con rồng có màu sắc mới, lạ với giá cao ngất ngưỡng. Hiện tại, Tân đang sở hữu đàn thú cưng với đầy đủ các màu, trong đó có cả màu trắng còn đang rất hiếm tại Việt Nam.

“Bí kíp” luyện rồng Nam Mỹ

Đối với anh Nguyễn Lý Hoàng Sang (sinh năm 1991, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), niềm đam mê rồng Nam Mỹ đến rất tình cờ. Kể về cái “duyên” đến với những con “thú cưng” của mình, anh Sang chia sẻ: “Trong một dịp tình cờ nhìn thấy người ta bồng một con rồng Nam Mỹ, ban đầu tôi cứ nghĩ đó là con kỳ nhông, kỳ đà to. Sau khi trò chuyện cùng chủ nhân của nó, mới biết đó là rồng Nam Mỹ, tôi rất thích nên tìm mua một cặp về nuôi”.


 

Một con rồng Nam Mỹ được dân chơi nuôi làm thú cưng.



Anh Sang kể: “Ban đầu, thấy rồng đẻ trứng tôi thử ấp như trứng gà, trứng vịt nhưng trứng không nở. Sau đó, tôi tìm hiểu và trao đổi cùng các anh em nuôi rồng để tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện trứng rồng khi đẻ ra trong khoảng 15-20 phút phải cho vào ấp ngay, không được để quá lâu bên ngoài, có như vậy thì trứng ấp mới thành công”.

Theo anh Sang, rồng nuôi được khoảng 2 năm tuổi là sinh sản, thời điểm sinh sản của chúng bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 1 (âm lịch) hàng năm, mỗi con đẻ từ 40-50 trứng, trứng rồng ấp khoảng 3 tháng thì nở. Khi nắm rõ quy trình ấp trứng, số lượng trứng rồng được anh Sang ấp thành công đạt khoảng 80%.

Hiện, với 25 con rồng Nam Mỹ có khả năng sinh sản, mỗi năm anh Sang cung cấp khoảng 1.000 con giống cho các “mối” ở nhiều tỉnh với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/con tùy thuộc vào màu sắc trên thân của chúng.


Theo anh Sang, tiêu chí để đánh giá một con rồng đẹp tùy thuộc vào sở thích riêng của mỗi người, nhưng thông thường sẽ căn cứ vào các đặc điểm như: thân rồng phải tròn đều cân đối; hàng gai chạy dọc trên sóng lưng phải đều, thẳng đứng và gù trên đầu càng cao càng đẹp. Vì vậy, mỗi con rồng, nhất là rồng đực cần được nuôi riêng biệt mỗi lồng 1 con để chúng không cắn nhau, ảnh hưởng đến thân thể.

http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/la-nuoi-600-con-rong-san-sui-ban-cho-dan-choi-lam-thu-cung-1053099.html



Theo Mỹ Linh (Báo An Giang/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm