Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Lãi tiền tỷ từ trồng chanh dây hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm liên kết với các doanh nghiệp trồng chanh dây hữu cơ trên diện tích 8 ha, gia đình anh Đỗ Quốc Toản (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã có nguồn thu nhập ổn định lên đến hơn 1 tỷ đồng/năm.
Chúng tôi đến nhà đúng lúc anh Toản đang cùng các nhân công đóng thùng chanh dây để xuất khẩu sang châu Âu. Vừa xếp chanh vào thùng, anh Toản cho hay: Để chanh dây xuất khẩu được sang nước ngoài đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, trong đó phải sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng tháng, gia đình anh đều phải mang mẫu chanh dây đi kiểm tra, nếu đủ tiêu chuẩn thì các công ty mới thu mua. “Trước kia, tôi chủ yếu kinh doanh vật liệu xây dựng. Nhưng vì đam mê với các sản phẩm nông nghiệp sạch nên năm 2017, tôi đã quyết định đầu tư trồng chanh dây hữu cơ”-anh Toản chia sẻ.
 Anh Đỗ Quốc Toản (bìa phải) giới thiệu mô hình chanh dây hữu cơ của gia đình. Ảnh: H.T
Anh Đỗ Quốc Toản (bìa phải) giới thiệu mô hình chanh dây hữu cơ của gia đình. Ảnh: Huyền Trân
Trước khi trồng chanh dây hữu cơ, anh Toản đã đi tham quan thực tế các mô hình ở tỉnh Đak Lak. Anh cũng tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chanh dây xuất khẩu. Sau đó, gia đình anh lựa chọn giống chanh dây Đài Loan để trồng. Vườn chanh dây của anh được trồng và chăm sóc theo quy trình khép kín, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và làm giàn chắc chắn, đảm bảo cho cây phát triển tốt, cho quả to, đều. Anh Toản cho biết: “Gia đình tôi chăm sóc chanh dây theo quy trình hữu cơ ngay từ khâu xuống giống nên chi phí đầu tư cao hơn so với thông thường. Để giảm chi phí đầu tư, tôi còn nuôi trùn quế và dê để lấy phân bón cho vườn chanh. Chi phí làm chanh sạch cao nhưng đổi lại, thị trường tiêu thụ luôn ổn định”.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sau 5 tháng, vườn chanh dây của gia đình anh Toản đã cho thu hoạch. Theo anh Toản, năm nay, vườn chanh dây 8 ha dự kiến thu được 160 tấn quả. “Trước khi đầu tư trồng chanh dây hữu cơ, gia đình tôi đã chủ động liên kết, ký hợp đồng thu mua sản phẩm với Công ty cổ phần Nafoods Group và Công ty cổ phần Nông nghiệp Đại Tài. Theo đó, giá bán chanh dây loại 1 cho các công ty này thấp nhất là 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, chanh dây sạch khan hiếm, trong khi thị trường xuất khẩu chanh dây được mở rộng nên tôi luôn bán được giá cao hơn so với ký kết ban đầu. Cụ thể, giá chanh dây loại 1 dao động 45.000-46.000 đồng/kg, loại 2 giá 15.000-20.000 đồng/kg. Dự kiến, tôi thu về được 4,8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 1,6 tỷ đồng. Gia đình tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động tại địa phương”-anh Toản cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Phan Thành-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Blứ-cho hay: “Trước tình hình hồ tiêu chết hàng loạt thì mô hình trồng chanh dây hữu cơ xuất khẩu của anh Đỗ Quốc Toản là hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn. Cùng với đó, Hội sẽ chủ động liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tránh rủi ro cho nông dân khi làm ra sản phẩm mà không có người thu mua”.
 HUYỀN TRÂN

Có thể bạn quan tâm