Ngày 1.1.2022, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiếp tục hướng dẫn nông dân tập trung xuống giống, chăm sóc cây trồng, phòng trừ dịch hại trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Cũng theo sở này, diện tích trồng rau, hoa vụ đông xuân 2021 - 2022 chủ yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay chủ yếu tập trung ở TP.Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.
Hoa cúc là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Gia Bình |
Cụ thể, diện tích gieo trồng rau các loại đạt 24.550 ha (tăng 0,81% so cùng kỳ), sản lượng 850.538 tấn (tăng 1,3% so cùng kỳ). Trong khi đó, diện tích gieo trồng hoa các loại là 3.691 ha (tăng 2,22% so cùng kỳ), sản lượng khoảng gần 1,4 tỉ cành hoa các loại (tăng 3,9% so cùng kỳ).
Cơ cấu chủng loại rau, hoa các loại phục vụ thị trường tết rất đa dạng, tuy nhiên một số loại cây chủ lực vẫn chiếm số lượng lớn như: bó xôi, khoai tây, súp lơ, ớt ngọt, su hào, cà rốt, dưa leo, củ cải, cải dưa, hành lá, xà lách, cải thảo, cà chua và các loại hoa: cúc, lily, đồng tiền, cẩm chướng, hoa hồng, lay ơn, hồ điệp, địa lan, cát tường, loa kèn… Sản lượng rau, hoa dự kiến thu hoạch và tiêu thụ tập trung từ ngày 14.1 - 20.2.
Sở NN-PTNT Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt khâu sơ chế tại nguồn trước khi đưa nông sản về tiêu thụ tại các chợ đầu mối TP.HCM và các tỉnh để tăng giá trị cho sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng dịp tết. Bên cạnh đó, phải sử dụng bao bì, tem nhãn có gắn thương hiệu riêng của từng đơn vị, nhất là với một số sản phẩm dễ bị hàng Trung Quốc trà trộn như khoai tây, hành tây... Xây dựng kế hoạch vận chuyển phù hợp, tránh để ách tắc, tồn đọng hàng hóa do không được vận chuyển đến nơi tiêu thụ kịp thời.
Theo Gia Bình (TNO)