TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Hơn 178 tỉ đồng thực hiện đề án quản lý nhà kính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thiện Đề án quản lý nhà kính trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Để thực hiện đề án này, cần kinh phí khoảng hơn 178 tỉ đồng.
Ngày 10-12, Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp (SXNN) ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
 
Nhà kính phát triển tràn lan ở Đà Lạt. Ảnh: Gia Bình
Nhà kính phát triển tràn lan ở Đà Lạt. Ảnh: Gia Bình
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, 18 năm qua công nghệ nhà kính đã được áp dụng mạnh và đến nay diện tích nhà kính toàn tỉnh đạt 4.476 ha. Trong đó riêng TP.Đà Lạt có diện tích lớn nhất với 2.554 ha (chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh).
Qua thống kê, diện tích nhà kính đơn giản do người dân tự lắp ráp bằng sắt, tầm vông chiếm diện tích lớn (65,5% tổng diện tích), nhà kính hiện đại nhập khẩu chỉ chiếm 3,8%, còn lại là nhà kính được các doanh nghiệp, cơ sở trong nước tự sản xuất, lắp ráp.
Bên cạnh những hiệu quả, lợi ích kinh tế do việc ứng dụng nhà kính mang lại trong SXNN, thì việc phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu sự kiểm soát đã ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị, môi trường; sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao sẽ tạo dòng chảy lớn, gây lũ quét, làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm...
Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trên cơ sở thực trạng và yêu cầu từ thực tiễn sản xuất, cần phải có giải pháp để quản lý và kiểm soát nhà kính nên việc ban hành đề án có ý nghĩa rất lớn để cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, giải pháp, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Đồng thời thúc đẩy SXNN, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại.
 
Cần phải có giải pháp để quản lý và kiểm soát nhà kính. Ảnh: Gia Bình
Cần phải có giải pháp để quản lý và kiểm soát nhà kính. Ảnh: Gia Bình
Mục tiêu của đề án, xác định lộ trình đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt so với hiện trạng năm 2022. Ngoài ra rà soát, xác định các vùng được phép SXNN ứng dụng nhà kính để khuyến khích, hỗ trợ người dân nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi đảm bảo nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và cảnh quan môi trường.
Đề án cũng xác định các giải pháp, triển khai các mô hình hiệu quả, khả thi, bảo đảm sinh kế giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân từng bước giảm dần diện tích nhà kính SXNN, chuyển sang SXNN sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao không sử dụng nhà kính.
 
Đến năm 2030, khu vực nội ô Đà Lạt sẽ không còn nhà kính. Ảnh: Gia Bình
Đến năm 2030, khu vực nội ô Đà Lạt sẽ không còn nhà kính. Ảnh: Gia Bình
Nguồn vốn tín dụng phục vụ đề án quản lý nhà kính này dự kiến hơn 178 tỉ đồng; trong đó kinh phí từ NSNN hơn 3,5 tỉ đồng; kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỉ đồng và vốn lồng ghép trên 2,6 tỉ đồng.
Theo Gia Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm