TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Nhiều đàn bò phát bệnh trở lại, chủ hộ chăn nuôi có tâm lý buông xuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong ngày 15/8, có thêm 89 con bò nhiễm bệnh, 11 con bị chết; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 5.739 con bò bị bệnh; 291 con bị chết.
Một gia đình phải thuê xe kéo con bò gần 800kg đi tiêu hủy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Một gia đình phải thuê xe kéo con bò gần 800kg đi tiêu hủy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trong những ngày qua, lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Trung ương và địa phương tập trung xuống giúp người dân điều trị cho đàn bò ở vùng trọng điểm bò sữa Lâm Đồng. Tuy nhiên, một số đàn đã phục hồi nay phát bệnh trở lại, một số chủ đàn bò lớn có tư tưởng buông xuôi do đã cạn kiệt nguồn tài chính.

Ngày 15/8, nhóm phóng viên TTXVN có mặt tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương sau khi nhận được thông tin đàn bò sữa tại khu vực này đang phát bệnh trở lại.

Ông Võ Đình Việt, sinh năm 1974, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết trại bò của gia đình ông có 76 con, sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục từ 30/7 thì mắc bệnh cả đàn, nay đã chết 8 con, 1 con sảy thai. Hiện, đàn bò lại tái phát bệnh tiêu chảy.

Gia đình ông đang rất bế tắc bởi điều trị cho bò 9-10 ngày nay nhưng bò không đỡ. Những con bị bệnh nhẹ, sau khi được truyền thuốc có thể đứng dậy ăn được, xong lại nằm xuống nhưng cả đàn vẫn sốt từ đó đến nay.

"Cả đàn 76 con nên mỗi ngày mất tới trên dưới 20 triệu đồng chi phí chữa bệnh. Gia đình đã thực hiện tất cả các phác đồ điều trị, chuyên gia Trung ương cũng tới hướng dẫn nhưng không thấy khả thi. Bò ốm vẫn nằm la liệt, kinh phí ở đâu mà điều trị. Hết ngày hôm nay, tôi đành buông xuôi," ông Việt cho biết.

Một hộ nuôi bò ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Một hộ nuôi bò ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Tại trại chăn nuôi của ông Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1979 ở thôn Kinh Tế Mới, nhóm phóng viên TTXVN chứng kiến 1 con bò khoảng 400kg đã được lôi ra vườn và che bạt.

Ông Phong cho biết con bò đang có thai nhưng ốm nặng quá, khả năng sẽ chết trong hôm nay nên gia đình tách ra đây. Đàn bò nhà ông có 32 con thì 3 con đã chết, được chôn ngay trong vườn nhà, 3 con nữa đang bệnh nặng, 5-6 con mới phát bệnh trở lại. Gia đình ông vay vốn ngân hàng 3 tỷ đầu tư con giống, chuồng trại, thức ăn đến nay vẫn chưa trả được.

Tại trại chăn nuôi của ông Nguyễn Minh Đệ, 57 tuổi ở thôn Kinh Tế, xã Tu Tra, 1 con bò vừa sảy thai 5 tháng tuổi. Ông Đệ cho biết đàn bò nhà ông có 51 con, sau khi tiêm vaccine thì 4 con đã chết. Hiện đàn bò có dấu hiệu phục hồi khoảng 50-60% nhưng nhiều con vẫn bị bệnh nặng hàng chục ngày qua.

Tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), nhóm phóng viên chứng kiến chính quyền địa phương đưa xe tới cẩu 2 con bò sữa đem đi chôn. Những người dân trong thôn cho biết cả thôn có 315 con bò sữa và 5 con bò vàng đã tiêm vaccine từ ngày 2/8, tất cả bò sữa đều phát bệnh tiêu chảy. Đây là địa phương cuối cùng của tỉnh Lâm Đồng tiêm vaccine viêm da nổi cục nên phát bệnh muộn nhất, nhưng trong 2 ngày 14-15/8 đã có 3 con bò bị chết.

Tất cả các hộ chăn nuôi ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng cho biết trong những ngày qua, chính quyền đã cử các chuyên gia Trung ương và của tỉnh xuống hỗ trợ điều trị, hướng dẫn phác đồ điều trị. Tuy nhiên, hiện tại bệnh có dấu hiệu xuất hiện trở lại nên bà con rất lo lắng.

Tại hộ gia đình ông Tống Văn Phúc ở tổ 4, thôn Bắc Hội (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), bác sỹ thú y Hoàng Xuân Nghinh được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mời từ Hà Nội vào hỗ trợ tỉnh điều trị cho đàn bò mắc bệnh.

Chuyên gia này cho biết đến giai đoạn này, bò chết phần lớn là những con bị tiêu chảy tái phát, do dạ cỏ của bò bị liệt. Giải pháp xử lý là truyền dung dịch ưu trương để kích thích dạ cỏ trở lại. Dạ cỏ hoạt động thì bò mới ăn, mới nhai lại bình thường. Con bò đã nằm vài ngày thì dạ cỏ bị liệt, chướng hơi tập trung rồi chết.

Theo bác sỹ thú y Hoàng Xuân Nghinh, dự báo trong những ngày tới, tỷ lệ bò chết có thể chưa giảm. Trong khoảng 1-2 tuần nữa, tỷ lệ bò chết sẽ giảm nhanh chóng. Nông dân cần phải phối hợp với nhân viên thú y để thực hiện phác đồ điều trị cho bò. Người nông dân không muốn chăm sóc, thậm chí không hợp tác thì diễn biến sẽ khác đi.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong ngày 15/8, có thêm 89 con bò nhiễm bệnh, 11 con bị chết. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 5.739 con bò bị bệnh; 291 con bị chết. Đáng chú ý, có 593 con bò hồi phục, không còn các triệu chứng của bệnh gồm Đơn Dương 156 con; Đức Trọng 408 con và Lâm Hà 29 con.

Qua đánh giá rà soát sơ bộ, số lượng bò có dấu hiệu hồi phục cơ bản đang dần tăng tại các địa phương.

Tỉnh Lâm Đồng đã bố trí 147 cán bộ, chuyên gia thú y trực tiếp điều trị, trong đó có 12 cán bộ thú y Trung ương, 21 cán bộ thú y thuộc các doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng bố trí 465 người thuộc các xã, huyện có bệnh để tham gia phòng chống dịch, tiêu hủy bò bị bệnh.

Ngày 14/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2837/QĐ-BNN-TY về việc xuất hóa chất dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng phòng chống dịch bệnh động vật, với 10.000 lít hóa chất Benkocid (do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO xuất cấp không thu tiền).

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, quản lý, xuất cấp cho các địa phương để tổ chức tiêu độc khử trùng theo quy định.

Hiện nay, lượng vật tư, thuốc cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị bò bị bệnh hằng ngày.

Theo Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm