TN - Đất & Người

Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 trở thành "Thiên đường xanh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến năm 2030, Lâm Đồng phấn đấu trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái-chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước. Ảnh: Gia Bảo/TNO

Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước. Ảnh: Gia Bảo/TNO

Lâm Đồng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch.

Phát triển mạnh giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5%- 9%/năm

Lâm Đồng phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5%-9%/năm.

Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ lệ 29,5%, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ lệ 27,3%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 43,2%. GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35%-36% GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Phương hướng phát triển các ngành quan trọng

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát triển toàn diện và hiện đại, trở thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm Quốc gia và Quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á. Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, tăng tỷ lệ xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu. Hình thành nhiều chuỗi giá trị nông sản gắn với sàn giao dịch điện tử thương mại quốc gia, quốc tế; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh nguồn nước; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân.

Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái-chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. (Ảnh nguồn internet)

Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái-chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. (Ảnh nguồn internet)

Đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh"

Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái-chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.

Phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế trong đó: TP. Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng. Nghiên cứu, phát triển các trung tâm du lịch: Sinh thái-nghỉ dưỡng-chữa bệnh-chăm sóc sức khỏe thể thao hàng đầu Việt Nam tại TP. Bảo Lộc và các huyện có tiềm năng du lịch, khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh của Lâm Đồng ở trong nước và quốc tế.

Lâm Đồng tập trung đầu tư 6 nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng-chữa bệnh-chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp (gôn, đua ngựa, đua chó…); du lịch sinh thái-mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo.

Có thể bạn quan tâm