TN - Đất & Người

Lâm Đồng và tinh thần ''7 dám''

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâm Đồng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Và tinh thần “7 Dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, là một trong những giải pháp then chốt để vùng đất Nam Tây Nguyên sớm hiện thực hóa mục tiêu này.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Trong ảnh: Biểu quyết thông qua các nghị quyết nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Trong ảnh: Biểu quyết thông qua các nghị quyết nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: Nhiệm kỳ này cho thấy có sự “bứt phá”, khẳng định điều gì làm vì cái chung thì sẽ thành công, tinh thần này lan toả trong toàn Đảng bộ, trong hệ thống từ lãnh đạo tỉnh đến cơ sở. Điều này được chứng minh qua việc kiên trì tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn để làm việc có lợi cho dân, điển hình trên các lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, là sự kết nối và tạo bứt phá cho tỉnh, mở các điểm nút giao thông, các đường cao tốc, mở rộng đèo Prenn… Bà con Nhân dân trong tỉnh rất phấn khởi trước những khởi sắc rõ nét. Qua đó cũng cho thấy thực tế đặt ra và đòi hỏi sự lãnh đạo của cấp ủy là rất quan trọng, lãnh đạo toàn diện, sâu sắc, có trọng tâm, trọng điểm.

Nhìn lại kỹ hơn, phân tích sâu hơn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông chia sẻ: Thực tế cho thấy, muốn thực hiện “dám nghĩ, dám làm” đòi hỏi sự đồng thuận, trên nguyên tắc tập trung dân chủ, trên chỉ đạo - dưới chấp hành, trên định hướng - dưới đồng thuận thì sẽ đạt hiệu quả. Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã khẳng định rõ điều này, tạo sự đồng thuận của người dân chính là động lực giúp công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả nhanh nhất. Tuy nhiên, để đánh giá công bằng và nghiêm túc, trước nhu cầu đòi hỏi chính đáng và xu hướng tất yếu của xã hội, đặt ra về các vấn đề như quy hoạch - sử dụng đất - trật tự đô thị - trật tự an toàn giao thông… vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm không thể giải quyết một sớm một chiều, mà cần theo lộ trình, giai đoạn, sự bổ sung, điều chỉnh của hệ thống hành lang pháp lý.

Sự quyết liệt trong điều hành của chính quyền đã thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Sự quyết liệt trong điều hành của chính quyền đã thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Để thực hiện nghiêm tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung” thì cần tạo cơ chế để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có thể thực sự yên tâm, quyết tâm thực hiện. Đó chính là cơ chế theo quy định của Trung ương về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Muốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, buộc phải tự chỉnh đốn, tạo hài hoà giữa sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức điều hành của chính quyền và sự vào cuộc thực hiện của người dân.

Theo đó, Lâm Đồng đã kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 39, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Qua thực hiện, tinh giảm 180/1.382 biên chế, với tỷ lệ 13,02%; sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; giảm 67 phòng, ban và tương đương thuộc các cơ quan cấp tỉnh; giảm 11 phòng, ban chuyên môn cấp huyện; giảm 333 lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị; giảm 400 lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập... Bên cạnh đó, quan tâm chia sẻ, động viên, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với những trường hợp bị tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng toàn diện, đồng bộ, chủ động, tích cực hơn, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, chất lượng, hiệu quả chuyển biến rõ rệt. Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm và cụ thể hóa các chỉ đạo, quy định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

Kịp thời phát hiện, thi hành kỷ luật nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, không có “vùng cấm”, “ngoại lệ”, đồng bộ giữa xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật chính quyền và đoàn thể, công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng… Từ đó, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Đồng thời, lãnh đạo, vận dụng linh hoạt, một số quy định, chính sách, phù hợp thực tiễn ở địa phương, như: Xin chủ trương tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; chủ động, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 bằng ngân sách của tỉnh; thống nhất chủ trương đối với một số ý tưởng dự án lớn, tầm chiến lược lâu dài để làm cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050,... Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút nguồn lực. Chỉ đạo quyết liệt xử lý những dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả theo Kết luận 929/KL của Thanh tra Chính phủ, thu hồi, chấm dứt hoạt động 44 dự án để xảy ra các sai phạm theo quy định...

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, để hướng đến hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI tỉnh Đảng bộ đề ra, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bên cạnh đó, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy; tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành của chính quyền. Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao nhất trong xã hội.

Có thể bạn quan tâm