TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Xử lý nghiêm đối tượng lấn chiếm, phá rừng tại Đức Trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do quản lý không chặt, Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước đã nhiều lần để một số người chặt phá, lấn chiếm tới gần 35ha, trong đó có trên 32ha rừng thông trồng từ năm 2001.
 
Một vụ phá rừng thông. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Một vụ phá rừng thông. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Năm 2008, Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước (văn phòng chính tại Thành phố Hồ Chí Minh) thuê hơn 107ha rừng ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để làm dự án chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật.
Do quản lý không chặt, cơ sở này đã nhiều lần để một số người chặt phá, lấn chiếm tới gần 35ha, trong đó có trên 32ha rừng thông trồng từ năm 2001.
Mặc dù chủ rừng và Hạt Kiểm lâm huyện xác định được đối tượng, đồng thời chính quyền huyện Đức Trọng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng các vụ việc đến nay vẫn chưa bị khởi tố để xử lý nghiêm kẻ vi phạm.
Ngày 30/9/2020, nhóm phóng viên có mặt tại văn phòng của Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước (gọi tắt là Cơ sở Thiên Phước) ở xã Tân Thành, huyện Đức Trọng.
Toàn bộ khu vực này gồm văn phòng, nhà xưởng đều đã bỏ hoang và trống rỗng, chỉ có 1 người trông coi.
Từ năm 2008, cơ sở này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư để làm dự án chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học và tạo việc làm cho các cháu lớn đã phục hồi; đồng thời nhận lại 107,69ha đất rừng, trong đó có 98,8ha thông 8 năm tuổi của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng chuyển giao.
Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, cơ sở này đã không còn hoạt động và chỉ còn 1 người ở lại để trông coi nhà xưởng, không có trách nhiệm đi tuần rừng.
Từ khi đi vào hoạt động, cơ sở này thực hiện khá tốt việc tổ chức và phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý và bảo vệ rừng. Nhưng khoảng từ năm 2017 đến nay, diện tích rừng của Cơ sở Thiên Phước liên tục bị một số hộ dân vào phá, lấn chiếm.
Thậm chí có đối tượng còn đưa cả xe múc vào phá hàng ngàn mét vuông rừng. Lực lượng Kiểm lâm địa phương đã xác định được đối tượng, lập hồ sơ chuyển cho Công an huyện đề nghị khởi tố.
Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện và Huyện ủy Đức Trọng cũng đã nhiều lần gửi văn bản sang Công an huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, không hiểu tại sao từ đó đến nay, vẫn chưa có vụ việc nào bị khởi tố và xử lý.
Theo ông Lương Ngọc Phương - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, nguyên nhân chính các vụ phá rừng tại Cơ sở Thiên Phước là do mấy năm gần đây, nội bộ cơ sở này "lục đục" nên không tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng theo đúng quy định.
Từ năm 2017 đến nay, chủ cơ sở đã nhiều lần báo Hạt Kiểm lâm huyện và Ủy ban Nhân dân xã Tân Thành tổ chức lập biên bản nhiều vụ phá rừng.
Theo các văn bản Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cung cấp, trong các năm 2017 đến 2020, chỉ riêng tại những cánh rừng của Cơ sở Thiên Phước, đã có hàng chục vụ việc được đơn vị Kiểm lâm lập biên bản, lập hồ sơ và báo cáo lên chính quyền địa phương.
Cụ thể là hồ sơ kèm văn bản số 523/CHS-KL ngày 16/11/2017 về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra Công an huyện Đức Trọng đề nghị khởi tố vụ việc.
Nội dung bộ hồ sơ này khá đầy đủ thông tin về đối tượng vi phạm, mức độ vi phạm, biên bản vi phạm… đủ điều kiện để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nhưng đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện vẫn chưa nhận được thông tin trả lời là có khởi tố hay không.
Về vụ việc trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng Lê Nguyên Hoàng cho biết sau khi Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức rà soát và Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý, chính quyền địa phương đã tổ chức giải tỏa trên 23ha bị lấn chiếm, còn lại trên 11ha đang tổ chức thực hiện giải tỏa.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tổ chức quản lý tốt, nhất là diện tích 23ha đã giải tỏa và tổ chức trồng lại rừng theo đúng quy định.
Trong vụ việc này, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng, nhưng cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Qua các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện đã nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trên toàn địa bàn cũng như riêng vụ việc phá rừng tại Cơ sở Thiên Phước.
Ông Lê Nguyên Hoàng cho biết thêm, về vụ việc phá rừng do Cơ sở Thiên Phước quản lý, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã tiến hành lập biên bản, lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo đúng thẩm quyền.
Trước những thông tin cho rằng đến nay, cơ quan điều tra chưa tiến hành khởi tố vụ án theo quy định, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ rà soát, nếu trong trường hợp có đủ điều kiện xem xét xử lý sẽ chỉ đạo để khởi tố theo quy định của pháp luật.
Sau khi diện tích đất rừng do Cơ sở Thiên Phước quản lý trở thành điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất, ngày 18/10/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 6805/UBND-LN.
Tại văn bản này, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm của Ủy ban Nhân dân tỉnh: thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động đầu tư dự án Xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật của Cơ sở Thiên Phước tại huyện Đức Trọng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh làm việc với Cơ sở Thiên Phước để thông báo chủ trương này và hướng xử lý tài sản trên diện tích đất được thuê sau khi chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.
Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng được giao nhiệm vụ hỗ trợ, quản lý bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án này trong thời gian nhà nước chưa tiến hành thu hồi theo quy định.
Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng có kết luận về phần tồn tại, sai phạm: “Công tác quản lý và bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng trong thời gian qua hiệu quả chưa cao. Tại thời điểm thanh tra, còn 45 vụ vi phạm xác định được đối tượng vi phạm đã được lập biên bản, nhưng chưa được xử lý kịp thời… Trong 20 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án, có tới 677,56ha rừng bị phá, 296ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.".
Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm