Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Làm gì để áo dài trở thành di sản của nhân loại?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều băn khoăn cần được giải đáp để có thể xây dựng hồ sơ trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đưa áo dài vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia, trước khi trình lên UNESCO công nhận áo dài là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 Trình diễn áo dài tại Lễ hội áo dài ở TP.HCM, tháng 3-2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trình diễn áo dài tại Lễ hội áo dài ở TP.HCM, tháng 3-2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN



Hội thảo khoa học quốc gia Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức ngày 26-6 tại Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đóng góp về lịch sử và giá trị văn hóa của áo dài.

Băn khoăn về tên gọi, chủ thể

TS Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản văn hóa) đặt vấn đề cần phải xác định cộng đồng chủ thể của di sản khi xây dựng hồ sơ về áo dài. "Cộng đồng chủ thể cũng cần xác định là người mặc áo dài, những nghệ nhân làm áo dài, thuộc Hà Nội hay Sài Gòn, Huế... bao gồm tất cả dân tộc khác hay chỉ dân tộc Kinh?", bà Trang đặt câu hỏi.

Về cộng đồng chủ thể, PGS.TS Đặng Văn Bài (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng cộng đồng không thể chỉ có cộng đồng trồng dâu nuôi tằm, cộng đồng dệt, cộng đồng may, thiết kế hay cộng đồng mặc áo dài mà phải là tất cả các cộng đồng này.

Ngoài ra, bà Trang cũng lưu ý trong việc xây dựng hồ sơ di sản cho áo dài là phải chọn tên gọi cho di sản văn hóa này thế nào, bởi không thể gọi là "áo dài", vì đó là di sản vật thể chứ không phải di sản văn hóa phi vật thể như chúng ta đang hướng tới xây dựng.

Trong khi đó, TS Trần Đoàn Lâm (tổng biên tập tạp chí Nghiên Cứu Việt Nam, NXB Thế Giới) đề xuất nên gọi tên Không gian văn hóa áo dài khi làm hồ sơ trình UNESCO, như cách gọi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từng được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Theo ông, tên gọi Không gian văn hóa áo dài bao trùm cả cộng đồng trồng dâu nuôi tằm, thiết kế, thợ may lẫn cộng đồng mặc áo dài cũng như bao trùm nhiều giá trị văn hóa lịch sử của áo dài.

Cả áo dài nam hay chỉ áo dài nữ?

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến nói về áo dài nam, "đòi" sự hiện diện nhiều hơn của áo dài nam trong cuộc sống. Bà Huỳnh Ngọc Vân (Bảo tàng Áo dài) nói lâu nay truyền thông giới thiệu, tuyên truyền quá nhiều về việc phụ nữ mặc áo dài trong khi bỏ quên việc tuyên truyền đàn ông cũng cần phải mặc áo dài, tôn vinh áo dài.

Bà Vân cũng góp ý thêm rằng lâu nay chúng ta quá mải mê tôn vinh vẻ đẹp hình thể phụ nữ trong tà áo dài mà xao nhãng việc tôn vinh vẻ đẹp về văn hóa, lịch sử của tà áo dài.

Về chuyện áo dài nam, TS Trần Đoàn Lâm cũng đồng ý rằng áo dài nữ rất đặc sắc, nhưng áo dài nam cũng rất cần phải được phổ biến nhiều hơn như là quốc phục của đàn ông Việt.

Không phủ nhận vai trò của áo dài nam trong việc làm hồ sơ di sản cũng như trong việc phát triển áo dài trong đời sống, nhưng PGS.TS Đặng Văn Bài lại cho rằng nếu chỉ là chuyện quốc phục thì ta cần công nhận cả áo dài nam và áo dài nữ, nhưng nếu đưa thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại thì theo quan điểm chủ quan của ông, chỉ áo dài nữ mới đủ điều kiện để trình UNESCO đưa vào danh mục di sản.

Riêng về câu chuyện cách tân áo dài, TS Trần Đoàn Lâm cho rằng không thể cấm cản việc cách tân, đó là quyền sáng tạo của nhà thiết kế. Nhưng ông cho rằng cần rành mạch gọi đó là áo dài trình diễn, còn áo dài đưa vào hồ sơ trình UNESCO thì phải có chuẩn.


Giao thoa văn hóa nhưng vẫn là sáng tạo của người Việt

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách có một tham luận công phu, khảo cứu một cách chi tiết về nguồn gốc áo dài Việt. Ông khảo cứu các tài liệu lịch sử trang phục Trung Hoa, trang phục truyền thống của Ấn Độ và các nước tách ra từ Ấn Độ trước đây. Trong đó, tác giả đặc biệt chú ý dạng áo dài kurta với quần paijama, được Pakistan nhận làm quốc phục ngay sau khi lập quốc năm 1947 hay trang phục salwar kameez của người Ấn - Hồi.

Từ đó, tác giả khẳng định trang phục áo dài Việt Nam có sự giao thoa, ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa lớn của thế giới là Trung Hoa và Ấn Độ. Nhưng người Việt đã sáng tạo ra những nét độc đáo riêng để ngày nay áo dài có một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới thời trang quốc tế.




Theo THIÊN ĐIỂU (TTO)

Có thể bạn quan tâm