Sống trẻ - Sống đẹp

Làm gì để "cai nghiện" game online?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ khi kết thúc năm học đến giờ, cậu con trai của tôi thường xuyên ngồi lỳ hàng tiếng đồng hồ trước máy vi tính. Ban đầu, tôi tưởng cậu chàng lên mạng tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học tập. Tuy nhiên, quan sát kỹ thì cả nhà mới tá hỏa: Bạn ấy đang chơi game online với nhóm bạn cùng lớp. Gặng hỏi thì bạn ấy trả lời tỉnh bơ: “Hè thì cày game thôi chớ biết làm gì”. Ôi, đến nước này thì buộc lòng tôi phải tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi đưa ra biện pháp thích hợp đối với con trai mình.
Nói chuyện về vấn đề này trong cuộc cà phê với bạn bè, tôi đều nhận được phản hồi tương tự. Thậm chí, có người còn cho rằng đó là biểu hiện của tình trạng “nghiện” game online. Tình trạng này tác động rất tiêu cực đến lối sống, học tập và sinh hoạt của các cháu. Một khi đã đắm mình vào game online thì các cháu rất ngại giao tiếp, lười vận động, thậm chí ứng xử thiếu chuẩn mực với mọi người xung quanh. Đáng chú ý, kể từ khi được gia đình trang bị máy tính, điện thoại thông minh… để học trực tuyến thì chuyện “cày” game online xuất hiện với tần suất cao hơn. Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhà trường mở cửa trở lại, nhưng tình trạng “nghiện” game online trong học sinh vẫn còn dai dẳng. Đây là vấn đề nan giải đối với không ít bậc phụ huynh hiện nay.
Ảnh minh họa.
Tình trạng “nghiện” game online tác động rất tiêu cực đến lối sống, học tập và sinh hoạt của trẻ. Ảnh minh họa
Trở lại với chuyện gia đình tôi. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều người, tôi quyết định nói chuyện với con trai về tác hại của “nghiện” game online. Tất nhiên là không chỉ trích hành vi của cháu là sai mà tập trung phân tích mặt trái của game online cũng như ảnh hưởng tiêu cực của việc ngồi hàng giờ trước máy vi tính đối với sức khỏe, tâm sinh lý con người. Trong khi con trai vẫn chưa hoàn toàn được “cai nghiện” và bị thuyết phục thì tôi dành thời gian đưa cháu đi dã ngoại, khuyến khích cháu tham gia các chương trình hoạt động ngoài trời… Tất nhiên là mọi việc đều tham khảo ý kiến của cháu. Bằng tình thương yêu của người cha, tôi đang cố gắng làm mọi cách để giúp cháu thoát khỏi “vũng lầy” mang tên game online. Trong khi tôi đang chia sẻ cùng quý phụ huynh những dòng này thì nhận được cuộc gọi từ con trai: “Ba ơi, con chán. Không có máy tính thì biết làm gì đây?”. Vậy là bạn ấy vẫn chưa có được trạng thái cân bằng. Theo đó, tôi còn nhiều việc phải nghĩ, phải thấu cảm và phải làm vì con.
Câu chuyện của tôi có thể cũng đang diễn ra với không ít gia đình. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đến con cái và dành cho chúng sự quan tâm đúng mức. Cùng với đó, thiết nghĩ, ngay trong dịp hè này, các ban ngành liên quan, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cần tạo thật nhiều sân chơi bổ ích cho thiếu niên, nhi đồng để các cháu vui tươi và phát triển toàn diện.
XUÂN DUNG

Có thể bạn quan tâm